Đắk Lắk không chỉ là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam mà còn là vùng đất của những hạt cà phê có hương vị khác biệt không nơi nào có được. Giá trị ấy đã được khẳng định qua quá trình lịch sử phát triển hơn 100 năm, từ các đồn điền cà phê thời Pháp thuộc đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Từ hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới
Với lợi thế được trồng ở vùng đất tốt, khí hậu, độ cao phù hợp nên cà phê vùng đất này ngay từ thuở sơ khai đã được các nhà rang xay tại Pháp đánh giá chất lượng thơm ngon, hương vị độc đáo hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở những thuộc địa khác.
Chính sự khác biệt đó là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của Cà phê Buôn Ma Thuột và nơi đây đã sớm trở thành trung tâm của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với cà phê Robusta.
Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ phát triển, ngành cà phê trải qua rất nhiều thăng trầm, nhất là khi Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê thì chất lượng, giá trị hạt Robusta Việt Nam gặp nhiều rào cản thương mại của các nước nhập khẩu khi mặc định về hạt Robusta có phẩm cấp thấp hơn Arabica. Mặt khác, những hạn chế trong khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… đã khiến Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam rơi xuống phân khúc cấp thấp trong chuỗi cà phê toàn cầu.
Đây rõ ràng là thách thức lớn cho ngành hàng cà phê, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân thay đổi tư duy sản xuất vì một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững trong xu hướng tiêu dùng cà phê chất lượng cao như hiện nay. Đồng thời, chủ động định hình vị thế hạt cà phê Buôn Ma Thuột – Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê trong giai đoạn tiếp theo.
Với mục tiêu đó, ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 787/QĐ-TTg, đưa cà phê vào danh mục sản phẩm thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia và Bộ NN-PTNT đã xây dựng và thực hiện các Đề án: “Cà phê Việt Nam chất lượng cao giai đoạn 2018 – 2020”; Đề án “Phát triển cà phê bền vững tới năm 2020 và Đề án “Cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”. Kết quả đã chọn tạo được một số giống cà phê chất lượng cao; xây dựng được các mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận, cà phê cảnh quan ít phát thải khí nhà kính; áp dụng đồng bộ giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện công nghệ sơ chế và chế biến; xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao…
Việc tạo giá trị bền vững cho cà phê, với thị trường rộng khắp 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến thời điểm này, chất lượng cà phê Việt Nam được đánh giá là ổn định. Đặc biệt, trong 10 năm phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, đến nay đã có nhiều lô hàng đặc sản bán cho các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Úc với giá trị cao gấp 2 – 3 lần so với hàng phổ thông. “Cà phê Robusta Việt Nam (xuất xứ từ Đắk Lắk) đã được sử dụng trong các cuộc thi Vô địch Barista thế giới, trước giờ chưa có tiền lệ cho Robusta. Điều này là minh chứng cho việc đến thời điểm này chúng ta đủ cơ sở để khẳng định cà phê Việt Nam là ngon hàng đầu trên thế giới”, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak (doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk) cho biết.
Đến “Thành phố cà phê của thế giới”
Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới” theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột là địa danh có hàng trăm năm nay. Và tên gọi của TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành cái tên Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, được đăng ký bảo hộ trên 30 nước. Với tên gọi “Thành phố cà phê của thế giới” thì rõ ràng sản phẩm cà phê là sản phẩm cốt lõi, đóng vai trò chủ lực, nổi bật xuyên suốt trong quá trình phát triển của thành phố.
Để làm được điều đó, Đắk Lắk đang nỗ lực sử dụng những sản phẩm cà phê có chất lượng cao, mang tính khác biệt (cà phê đặc sản) để làm thương hiệu nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, thời gian qua Buôn Ma Thuột trở thành nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính văn hóa, tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước, được diễn ra xuyên suốt trong năm, như các cuộc thi quy mô quốc gia: Cà phê đặc sản Việt Nam; Rang cà phê đặc sản Việt Nam; Pha chế cà phê đặc sản Việt Nam… Qua đó đã kết nối được cộng đồng cà phê với cộng đồng không làm cà phê để phát triển giá trị cà phê bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê Robusta lớn nhất của Việt Nam, vậy tại sao không đưa thương hiệu cà phê của vùng đất này vươn xa? Đến bây giờ, cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng đã có vị thế khác trong ngành cà phê toàn cầu. Để Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, điều quan trọng nhất là phải chứng minh được cho cả thế giới rằng nơi đây có đầy đủ những yếu tố, điều kiện để trở thành trung tâm hàng đầu về cà phê.
Vấn đề đầu tiên là phải tổ chức lại thành phố để có tính nhận diện cao, để bất cứ ai đến Buôn Ma Thuột đều phải thừa nhận rằng đây là “thành phố cà phê”, với những vườn cà phê bạt ngàn, ngào ngạt mùi hương cà phê, những cơ sở rang xay và quán cà phê khác biệt. Bên cạnh đó là hình ảnh người dân thân thiện mà ai cũng hiểu về cà phê, là hướng dẫn viên về cà phê của quê hương mình.
Trong cộng đồng cà phê ấy, những người ngày đêm lăn lộn với cà phê sẽ tự hào với bạn bè năm châu về sản phẩm của mình. Để mục tiêu này sớm thành hiện thực cũng đòi hỏi sự mạnh dạn, quyết liệt của chính quyền thành phố cùng sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế.
Xem thêm: Tròn 100 năm cây cà phê đến với Đắk Lắk, trở thành cây trồng chủ lực