Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia là bài toán khó

Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được ưa chuộng, thế nhưng giá trị nông sản Việt xuất khẩu chưa cao bởi hầu hết vẫn chưa xây dựng được thương hiệu.

Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dù đã nhận ra thực trạng này, song việc tạo được thương hiệu quốc gia cho nông sản là bài toán không hề dễ dàng, nhất là trong tình hình kinh tế, tài chính khó khăn.

Ít tiền có làm được thương hiệu?
Advertisement

Nông sản là ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm gần 49 tỷ USD, trong đó rau quả chiếm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác…, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như: gạo ST25, cà phê, điều vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng khi xuất ngoại chủ yếu với dạng thô, chưa được quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu. Việc thiếu các tổ chức ngành hàng dẫn dắt khiến nông sản Việt Nam khó định vị được thương hiệu, định giá mỗi khi thâm nhập thị trường.

Nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như: gạo ST25, cà phê, điều, vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng xuất ngoại chủ yếu với dạng thô. (Ảnh: HL)Nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như: gạo ST25, cà phê, điều, vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng xuất ngoại chủ yếu với dạng thô. (Ảnh: HL)
Nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như: gạo ST25, cà phê, điều, vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng xuất ngoại chủ yếu với dạng thô. (Ảnh: HL)

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ chia sẻ câu chuyện thực tế từ địa phương, lúa gạo của Cần Thơ đã nổi tiếng qua ca dao xưa “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về” – bao hàm ý nghĩa trọn vẹn về một vùng sông nước trù phú, với những sản vật và môi trường sinh thái níu chân du khách thập phương… Song đến nay thương hiệu lúa gạo, thuỷ hải sản của Cần Thơ vẫn chưa thể vươn xa.

“Chính quyền địa phương rất tập trung chỉ đạo các ngành để làm, nhưng rất nhiều khó khăn, khó lớn nhất là nguồn kinh phí để thực hiện. Thực tế là muốn làm cũng cần sự chung tay, đồng lòng của toàn thể doanh nghiệp. Rồi chuẩn bị kể cả vùng nguyên liệu thì TP.Cần Thơ cũng có những khó khăn nhất định”, ông Huỳnh Thanh Sử bộc bạch.

Bàn về xây dựng thương hiệu, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, câu chuyện tài chính là nhóm vấn đề có phần quyết định, song vẫn cần những doanh nghiệp thật sự tận tâm, nhìn xa trông rộng để có thể bước vào cuộc chơi, chung tay với Nhà nước trong sứ mệnh xây dựng thương hiệu cho nông sản quốc gia. GS.TS Võ Tòng Xuân thẳng thắn chỉ ra rằng, sở dĩ đến nay Việt Nam chưa có thương hiệu cho nông sản bởi các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt.

So sánh câu chuyện xây dựng thương hiệu của Việt Nam với một số nước trên thế giới, ông Võ Tòng Xuân mong muốn hình ảnh lãnh đạo quốc gia đi đến đâu cũng quảng bá ít nhất một thương hiệu đặc trưng của đất nước mình, như cà phê, ca cao, sầu riêng… cần được duy trì thường xuyên. Lãnh đạo phải dùng thì mới chọn và đánh giá được sản phẩm tiêu biểu nhất.

“Tôi nghĩ là Nhà nước có chủ trương xây dựng thương hiệu quốc gia, thì Nhà nước phải là người đi trước để chọn những doanh nghiệp thực sự có tâm, có tài, giúp cho những đơn vị này liên kết với nông dân, tài trợ cho bà con sản xuất. Như vậy vai trò của Nhà nước trong việc này rất là lớn”, GS.TS. Võ Tòng Xuân nói.

Việt Nam có rất nhiều loại nông sản, song chất lượng thiếu sự vượt trội và chưa ổn định về sản lượng. (Ảnh: Nguyễn Quang)Việt Nam có rất nhiều loại nông sản, song chất lượng thiếu sự vượt trội và chưa ổn định về sản lượng. (Ảnh: Nguyễn Quang)
Việt Nam có rất nhiều loại nông sản, song chất lượng thiếu sự vượt trội và chưa ổn định về sản lượng. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Xây dựng thương hiệu từ sự khác biệt

Hiện nay mới chỉ có 20/124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đạt thương hiệu quốc gia. Số lượng này quá ít so với năng lực thực tế.

Theo doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC Group, để xây dựng thương hiệu thì những doanh nghiệp nhỏ có thể làm vệ tinh cho các thương hiệu lớn. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận một cách đúng đắn, cụ thể điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín để hướng tới phát triển thương hiệu quốc gia.

Từ kinh nghiệm xuất khẩu mía đường với nhiều sản phẩm đặc trưng, sau 3 năm gia nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), TTC Group đã góp phần tạo nên vị thế cho mía đường Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sữa dừa, được cộng đồng Hồi giáo tin dùng. Ông Thành cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu thì phải chuẩn bị vùng nguyên liệu, thực hiện canh tác đúng quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Thực sự để làm được đòi hỏi trách nhiệm từ doanh nhân, doanh nông và sự hỗ trợ của Nhà nước từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương. Tôi cũng mong muốn vai trò của tham tán thương mại nên quan tâm hơn nữa để nâng tầm được thương hiệu Việt nói chung”, ông Đặng Văn Thành nêu ý kiến.

Trao đổi về sự khác biệt trong kinh doanh, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm ra thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu bằng giá cả chứ không phải bằng chất lượng.

Ông Tùng cũng cho rằng, nếu chưa ổn định về sản lượng, chất lượng thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt là rất khó khả thi: “Để xây dựng thương hiệu quốc gia, chúng ta phải chọn 1 – 2 sản phẩm đại diện cho quốc gia, từ đó mới bàn tiếp làm sao để phát triển. Không chỉ Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, hay Bộ Công Thương vào cuộc, mà cả Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch cũng phải vào cuộc. Các nghệ sỹ cũng cần tham gia truyền thông, khi có một sản phẩm ra đời thì tất cả cùng ủng hộ, ngành du lịch cũng tham gia vào”.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… qua các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực. Theo các chuyên gia, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều loại nông sản, nhưng phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá và có chiến lược marketing bài bản. Để làm được điều này, cần thiết phải có sự đồng lòng của các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, từ đó mới có thể xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt.

>> Trung Quốc trồng vải, chuối, thanh long sản lượng cả triệu tấn/năm: Lo cho nông sản Việt

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …