Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian gần đây mã số vùng trồng tại Việt Nam bị thu hồi đang tăng cao.
Cụ thể, hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Tình trạng bị thu hồi mã số vùng trồng tiềm ẩn nguy cơ giảm thị phần xuất khẩu nông sản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, mã số vùng trồng trên cả nước bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận…, trong đó phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Hiện nay nhiều nước đã tăng cường tần suất giám sát mã vùng trồng. Ví dụ như Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hàng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm.
“Mặt hàng sầu riêng là mặt hàng chủ lực kỳ vọng mang lại hơn tỷ đô cho Việt Nam trong năm nay, nhưng hiện nay mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn ít. Điều này sẽ khiến ngành hàng sầu riêng của chúng ta bị ùn ứ khi vào mùa vụ. Thứ hai, với mã số vùng trồng như vậy, khả năng đạt trên tỷ đô sẽ khó. Trước mắt, tôi kiến nghị cơ quan bảo vệ thực vật tăng mã số vùng trồng lên”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Một trong những nguyên nhân khác khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới, chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp.
Hiện nay các mã số vùng trồng không chỉ chịu sự giám sát của địa phương, mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu, tức là một số nước nhập khẩu sẽ kiểm tra và cấp mã số vùng trồng.
Chỉ còn một vài tháng tới, nông sản Việt vào mùa vụ chính. Việc cấp mã vùng trồng cũng đang được quyết liệt triển khai nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Tại hầu hết các địa phương, quy định quản lý sinh vật gây hại và ghi chép hồ sơ của nước nhập khẩu đang là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp và nông dân chưa chưa được cấp mã vùng. Chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của việc được cấp mã số trong tiêu thụ nông sản, từ đó rất khó thuyết phục nông dân thay đổi phương thức, thói quen canh tác để đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
“Tập huấn cho bà con nông dân và cán bộ nông nghiệp của xã nắm được các quy định của việc xây dựng mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Thứ hai là tiếp tục triển khai thiết lập các hồ sơ”, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho hay.
Từ cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp triệt để cho địa phương chủ động thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ở địa phương mình, nhằm đẩy nhanh quá trình cấp mã số, thúc đẩy xuất khẩu. Với những khó khăn phát sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ.
“Phân cấp triệt để về địa phương để địa phương có thể chủ động hơn trong việc thiết lập cũng như quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương. Tùy thuộc vào đặc thù của các địa phương, các địa phương có thể linh hoạt triển khai, tổ chức thực hiện để vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu”, bà Nguyễn Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.
Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều hồ sơ vẫn còn tồn đọng tại Trung Quốc vì chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực tháo gỡ vướng mắc giúp đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng.
Hiện nay, toàn quốc có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản do đây yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế.
Xem thêm: