Hiện nay, nông sản xuất khẩu đang ngày càng được siết chặt bởi các yêu cầu kỹ thuật trong đó có mã số vùng trồng. Đây là điều kiện cần thiết, bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính.
Tại cửa khẩu, Hải quan nước nhập khẩu kiểm tra nguồn gốc lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Một số quốc gia yêu cầu trái cây phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc.
Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm tại các vùng trồng.
1. Thế nào là mã vùng trồng và vùng trồng?
– Mã số vùng trồnglà mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản.
– Vùng trồng là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Mục đích của mã vùng trồng:
– Mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định. Để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành.
– Truy xuất gốc sản phẩm dễ dàng: Thông qua mã số vùng trồng sẽ cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm họ đang sử dụng được sản xuất ở đâu, ai sản xuất,… Đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
– Giúp kiểm soát quy trình sản xuất bằng sổ tay ghi chép, giám sát vùng trồng bao gồm loại cây, diện tích canh tác, sản lượng, mùa vụ thu hoạch, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…).
– Kiểm soát chất lượng sản phẩm tạo ra đúng theo yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của nhà phân phối. Nếu sản phẩm không đạt, trên nền tảng của truy xuất nguồn gốc, sẽ biết lỗi xảy ra ở khâu nào để chịu trách nhiệm và điều chỉnh.
3. Yêu cầu của việc thiết lập vùng trồng:
– Vùng trồng cần sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại. Đảm bảo kiểm soát sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu. Vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước vụ thu hoạch, nội dung kiểm tra tùy thuộc vào từng đối tượng cây trồng và yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trước mỗi vụ thu hoạch, các mã số vùng trồng cần đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký thì mã số sẽ bị thu hồi.
Trường hợp có thay đổi về diện tích vùng trồng, người đại diện hoặc chủ sở hữu phải cập nhật, báo cáo cho cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) xác minh lại thông tin.
– Yêu cầu về diện tích: Đối với cây ăn quả tối thiểu từ 10ha trở lên. Đối với rau gia vị tùy theo diện tích thực tế của nơi sản xuất hoặc theo các yêu cầu khác của nước nhập khẩu. Đối với các loại cây khác tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
– Quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Quá trình canh tác phải ghi chép thông tin đầy đủ. Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác tùy theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.