Thay vì mỗi cây một gốc, vườn sầu riêng của ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (ở xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) có đến 3 gốc. Cũng nhờ sự khác biệt này mà cây sinh trưởng nhanh, chống chọi với gió mưa tốt hơn và cho năng suất cao.
Mô hình trồng sầu riêng ghép 1 thân 3 gốc của ông Đức đang được một số thành viên trong tổ hợp tác áp dụng làm theo.
3 gốc nuôi 1 thân
Một lần xem tin tức trên internet, ông Đức biết đến mô hình ghép 1 thân sầu riêng từ 2-3 gốc, thế là ông làm theo. Ông chọn giống sầu riêng hạt đem ươm trong bầu, chờ cho cây phát triển được khoảng 1 năm thì đem ghép với 2 cây giống sầu riêng Ri6. Nhờ có đến 3 gốc, 3 bộ rễ cùng hút phân, hút nước nên cây sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh và đặc biệt là cây ít gãy đổ trước gió bão, giảm thiệt hại vườn cây.
Ông Đức chia sẻ, ban đầu ông chỉ trồng thử nghiệm ít cây. Về sau, thấy cây phát triển nhanh, ông mạnh dạn ghép và mở rộng vườn 3ha. “Việc ghép 3 cây làm 1 có nhiều ưu điểm, tôi chọn được cây to, khỏe, đẹp nhất làm cây chính. Có đến 3 gốc cùng nuôi 1 thân nên cây lớn nhanh, nhánh nhiều, đến mùa tôi xử lý để lại nhiều quả hơn mà không lo bị suy cây” – ông Đức chia sẻ.
Huyện Cẩm Mỹ có trên 2,1 ngàn ha cây sầu riêng đang cho thu hoạch, tăng gần 1 ngàn ha so với năm 2020. Sầu riêng được trồng nhiều tại các xã: Nhân Nghĩa, Sông Nhạn, Xuân Quế và phát triển mới ở các xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Tây…
Hiện vườn sầu riêng 3 gốc của ông Đức đã có hơn 7 sào cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 27-28 tấn quả/ha, gấp gần 1,5 lần so với vườn thông thường. Để trái to đều, ít méo mó, ông Đức chọn cách thụ phấn nhân tạo thủ công cho từng quả. Sản phẩm được công ty bao tiêu tại vườn theo giá thị trường.
Theo ông Đức, kỹ thuật ghép sầu riêng 3 gốc không khó mà lợi ích vượt trội. Ông chọn giống sầu riêng hạt của Việt Nam làm gốc, kết hợp với các giống mới để cải thiện năng suất, chất lượng. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các thành viên trong tổ hợp tác cũng như những người có nhu cầu trồng sầu riêng 3 gốc.
Sẽ nhân rộng trong tổ hợp tác
Ông Trần Văn Phong, ngụ ấp 7, xã Sông Ray, thành viên Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức cho biết, qua tham quan vườn sầu riêng của ông Đức, ông đã quyết định mua 300 cây về trồng. Nhờ có sự kết hợp từ 2 giống, 3 gốc mà cây phát triển nhanh hơn, cành nhiều hơn, đứng vững hơn trước mưa gió.
“Tôi đang đặt ông Đức ươm giống, được bao nhiêu mua bấy nhiêu. Tôi quyết định phát triển dòng sầu riêng 3 gốc này” – ông Phong nói.
Hiện tại, Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức có 23 thành viên với hơn 40ha. Một số vườn có sầu riêng 3 gốc nhưng duy nhất vườn của ông Đức đang cho thu trái. Tới đây, các ngành chức năng của huyện sẽ lấy mẫu quả, mẫu đất test hỗ trợ tổ hợp tác làm thủ tục công nhận đạt chuẩn VietGAP, sau đó làm mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch trái sang Trung Quốc.
Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Bùi Thị Liên cho biết, trên địa bàn xã nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng. So với các loại cây ăn quả khác, sầu riêng cho lợi nhuận hơn hẳn. Tuy nhiên, để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cũng như có đầu ra ổn định, xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sạch. Tham gia vào tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa có chất lượng, sản lượng.
Nói về mô hình sầu riêng 3 gốc của ông Đức, bà Liên cho biết, đây là vườn cây ghép mô hình mới, xã đang theo dõi hiệu quả kinh tế, khả năng chống chịu với thời tiết mưa gió, trên cơ sở đó có hướng tuyên truyền phát triển nhân rộng. Riêng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức, các thành viên thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Trong đó, ông Đức là điển hình, tiên phong ứng dụng kỹ thuật ghép cây, ươm giống bán, nhiệt tình hướng dẫn và hỗ trợ các hộ khác tự ươm sầu riêng 3 gốc để trồng.
Video Youtube anh Nguyễn Minh Vịnh