Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia cầm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao…
Theo Tổng cục Thống kê, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2023 đạt 2.952,5 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm 39,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, các địa phương phía Bắc giảm 10,4 nghìn ha, các địa phương phía Nam giảm 29,4 nghìn ha.
DIỆN TÍCH GIẢM, SẢN LƯỢNG LÚA VẪN TĂNG
Do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng nên năng suất lúa đông xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,4 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 70,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,2 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha). Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước, ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2023, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.788,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.418,2 nghìn ha, bằng 97,9%.
Lúa hè thu các địa phương phía Bắc đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh; lúa hè thu chính vụ ở các địa phương phía Nam vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, có 200,6 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 14,1% diện tích xuống giống.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, diện tích trồng lúa giảm gần 40 nghìn ha so với năm trước, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng gần 250 nghìn tấn so với năm ngoái. Đây là thành tựu rất lớn của ngành trồng lúa, cho thấy hiệu quả của tiến bộ kỹ thuật canh tác.
Không chỉ đủ lương thực cho nhu cầu của người dân trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
“An ninh lương thực hiện là thách thức của nhiều quốc gia nhưng Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn lương thực phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đóng góp vào bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè búp đạt 523,2 nghìn tấn, tăng 1,7%; cao su đạt 413,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 353,2 nghìn tấn, tăng 9,7%; hồ tiêu đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 1,7%…
Đối với cây trồng lâu năm, Tổng cục Thống kê cho biết tổng diện tích cây lâu năm tính đến 29/6/2023 đạt khoảng 3.735,8 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm cây công nghiệp đạt 2.196,7 nghìn ha, tăng 0,3%; nhóm cây ăn quả đạt 1.218,8 nghìn ha, tăng 2,7% chủ yếu ở nhóm cây có múi và nhóm cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như xoài, sầu riêng, mít, chuối.
Trong quý 2/2023, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt 350,8 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; cao su đạt 282,8 nghìn tấn, tăng 2%; điều đạt 121,9 nghìn tấn, tăng 9,6%; hồ tiêu đạt 103,9 nghìn tấn, tăng 2,1%. Sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 431,6 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 204 nghìn tấn, tăng 3,1%; sầu riêng đạt 259,2 nghìn tấn, tăng 14,7%; vải đạt 178,3 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng một số cây ăn quả: Xoài đạt 616 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 514,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; sầu riêng đạt 367,6 nghìn tấn, tăng 18,3%.
Trong quý 2, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 87,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 18,6 triệu cây, tăng 3,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.472,9 nghìn m3, tăng 3,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 125,5 nghìn ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 45,9 triệu cây, tăng 5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.806,1 nghìn m3, tăng 3,7%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng qua, cả nước có 1.168 ha rừng bị thiệt hại, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 624,7 ha, tăng 7,4%; diện tích rừng bị cháy là 543,4 ha, gấp 22,5 lần.
SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ
Đối với ngành thủy sản, Tổng Cục Thống kê cho hay sản lượng thủy sản quý 2 ước đạt 2.370,4 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 1.680,5 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 352,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 337,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong quý 2/2023 ước đạt 1.311,2 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 851,2 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 313 nghìn tấn, tăng 4,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.336,4 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.593,6 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 466,7 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 276,1 nghìn tấn, tăng 3,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. bao gồm: Cá đạt 3.093,2 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 538,1 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 639,2 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu ở mức thấp, nhưng sản lượng cá tra tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý 2 ước đạt 436,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra ước đạt 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.
Cùng với cá tra, giá tôm nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm. Tôm thẻ chân trắng tiếp tục chuyển đổi từ nuôi thâm canh sang siêu thâm canh hoặc nuôi thâm canh với mật độ cao hơn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng quý 2/2023 ước đạt 221,8 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 71,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong quý 2 ước đạt 1.059,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 829,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 39,3 nghìn tấn, tăng 0,3%. Sản lượng thủy sản khai thác biển trong quý ước đạt 1.013 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 1.934,1 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm:
- Thực phẩm an toàn và nông sản sạch – Xu hướng tiêu dùng hiện đại
- Nông sản Việt thu hàng tỷ USD từ thị trường Trung Quốc