Chiều 12/3, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê bế mạc sau 03 ngày diễn ra sôi nổi.
Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Hoạt động diễn ra tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, thành phố Buôn Ma Thuột với 53 nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên tham gia.
Các tác phẩm hoàn thiện được trưng bày tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.
Trong thời gian gần 03 ngày, các nghệ nhân đã tạo ra những tác phẩm với các chủ đề về đời sống sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm, khát vọng vươn lên và nâng tầm giá trị sản phẩm cà phê. Các hình ảnh về đời sống Tây Nguyên như: hội cồng chiêng, người phụ nữ gùi nước, người phụ nữ địu con, hình tượng nhà Rông, tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột,…cũng được thể hiện rõ nét.
Nhiều tác phẩm thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nghệ nhân.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm đều chất lượng, thể hiện đầy đủ tiêu chí của lĩnh vực mỹ nghệ. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện được sự vượt trội trong khả năng tạo hình và sáng tạo của mỗi nghệ nhân, nhiều tác phẩm mới lạ, tính thẩm mỹ cao.
Ban Tổ chức trao giải cho các nghệ nhân.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã trao một giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba, năm giải Khuyến khích cho 11 tác giả đạt giải, trao giải của đơn vị tài trợ cho 15 tác phẩm và trao giấy chứng nhận cho các nghệ nhân tham gia hội thi. Tác phẩm Sung túc của nghệ nhân Phạm Văn Roàn, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông đạt giải Nhất hội thi. Giải Nhì thuộc về nghệ nhân Vũ Văn Viễn (tỉnh Đắk Nông) với tác phẩm “Cà phê Việt vươn xa” và nghệ nhân Lê Văn Hời (tỉnh Đắk Lắk) với tác phẩm “Lễ hội đua voi”.
Ông Trần Phú Hùng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thi.
Phát biểu bế mạc Hội thi, ông Trần Phú Hùng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Hội thi đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa, ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ của Tây Nguyên, góp phần làm phong phú văn hóa thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hội thi không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị, nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa thủ công mỹ nghệ, mà còn tạo điều kiện cho du khách, nhân dân hiểu biết thêm về văn hóa, du lịch, đời sống người dân Tây Nguyên. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng đề nghị, sau hội thi, các nghệ nhân tiếp tục phát huy tài năng, không ngừng truyền dạy kinh nghiệm chế tác sản phẩm mỹ nghệ cho thế hệ trẻ để bồi dưỡng trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thủ công mỹ nghệ của Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.