Sáng 24/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Nghị định số 21/2015/NĐ-CP). Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Nghị định quy định nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao trên cơ sở thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; trường hợp tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thì nhuận bút, thù lao được trả theo hợp đồng đặt hàng, đấu thầu. Qua đó, đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Đến nay, việc thực thi Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã được 8 năm. Hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có những bước phát triển, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua năm 2022; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã được Chính phủ ban hành năm 2023; Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Việc tổ chức rà soát đánh giá về công tác thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là cần thiết nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến tiền bản quyền trong lĩnh vực này.
Qua thời gian áp dụng, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại, không phù hợp với tình hình thực tiễn như: Các quy định của Nghị định phù hợp đối với sáng tạo tác phẩm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp sáng tạo tác phẩm điện ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật khác… có sự hợp tác theo phương thức xã hội hóa thì khó áp dụng. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định chỉ giới hạn ở ba nhóm lĩnh vực là điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh; nghệ thuật biểu diễn có liên quan đến ngân sách nhà nước. Một số loại hình tác phẩm khác như kiến trúc, công trình khoa học… không thuộc phạm vi của Nghị định.
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện dự thảo.
Theo Dự thảo của Bộ VHTTDL xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về nhuận bút, thù lao tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa một số thể loại, loại hình, quy mô tác phẩm, thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; mở rộng và phân chia hợp lý các mức và khung nhuận bút, thù lao để phù hợp với khả năng ngân sách của các địa phương khác nhau có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau …