Ngày 13/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022.
Quang cảnh lớp bồi dưỡng
Lớp bồi dưỡng được tổ chức trong 2 ngày (13 và 14/7) với sự tham gia của 145 học viên là cán bộ trực tiếp tham mưu công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở địa phương, cơ sở thuộc các Phòng Văn hoá – Thông tin các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp bồi dưỡng, các học viên sẽ được các giảng viên phổ biến các nội dung cơ bản liên quan đến quản lý Nhà nước về di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh thông qua các chuyên đề: Một số vấn đề về bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam; trình tự thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ; quy định về quản lý, bảo vệ diện tích rừng thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 41 di tích, gồm: 02 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột và Di tích lịch sử đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh); 17 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được chính quyền và Nhân dân trên địa bàn quan tâm, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN ở địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích còn gặp nhiều khó khăn, do vậy việc nâng cao công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Viết Cường – Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền đạt nội dung chuyên đề tại lớp bồi dưỡng
Lớp bồi dưỡng là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về công tác quản lý di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như phát huy các giá trị di tích trên địa bàn; đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án 2615 của UBND tỉnh về Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.