Ngày nay, chứng nhận cà phê ở khắp mọi nơi, trong các cửa hàng cà phê đặc sản, nhà hàng, kệ hàng siêu thị,..! Đó là vì người tiêu dùng muốn biết cà phê của họ đến từ đâu. Điều này đặc biệt đúng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, và cà phê cũng không khác. Vì vậy, bạn nên quan tâm đến việc cà phê của mình có được chứng nhận hay không? và nó có ý nghĩa gì.
Bạn có thể tìm thấy các bài đăng bổ sung về tiêu chuẩn, tiếp thị và các vấn đề xung quanh chứng nhận sinh thái trong danh mục sau đây:
- Cà phê hữu cơ (Organic coffee), đây là bộ phận của hệ thống Nông nghiệp hữu cơ (Organic agriculture)
- Chứng nhận Fair Trade / Fairtrade – cà phê thương mại bình đẳng
- Chứng nhận của Liên minh rừng mưa Rainforest Alliance/UTZ
- Chương trình cà phê 4C sản xuất phù hợp với bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê gọi là cà phê 4C ( The Common Code for The Coffee Community).
- Direct trade – Thương mại trực tiếp, đây không thực sự là một chứng nhận mà là một phong trào thương mại, nên mình không phân tích trong bài.
Ngoài ra, tùy theo khu vực (như Mỹ La Tinh) mà số chứng chỉ khác sẽ được áp dụng cho cộng đồng sản xuất cà phê tại khu vực ấy, chẳng hạn như Shade Grown Coffee hay Bird Friendly Coffee… Các chương trình trên tuy nội dung, cách tiếp cận có khác nhau nhưng có chung một mục tiêu là phát triển cà phê bền vững. Sau đây ta sẽ đi vào tìm hiểu rõ hơn về các chứng nhận phổ biến trên cây cà phê.
Organic coffee – Chứng nhận cà phê hữu cơ
Về định nghĩa cà phê hữu cơ, có thể hiểu đó là loại cà phê được trồng với một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp, phủ đất bằng nguyên liệu hữu cơ, điều tiết cây bóng mát và phòng trừ dịch bệnh theo hướng sinh học.
Hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp đó dựa trên nguyên tắc là một giá trị tương đương với sản phẩm đã thu hoạch phải được trả lại cho đất. Người ta cũng loại trừ việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp. Trong khi đó, Tiến sĩ R.Naidu (Ấn độ) thì có một định nghĩa cụ thể hơn, đó là: Cà phê hữu cơ là loại cà phê được sản xuất, chế biến thông qua việc sử dụng các sản phẩm phương pháp tự nhiên không dùng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ và chất điều hòa sinh trưởng là các hóa chất tổng hợp. Theo B.Van Elzakker thì có một định nghĩa đơn giản của “hữu cơ” là không có hóa chất nông nghiệp + không có phân hóa học = giá ưu đãi.
Các thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu hiện nay đã điều chỉnh chúng thông qua luật pháp như đạo luật sản xuất sản phẩm hữu cơ năm 1990 của Mỹ và những quy định về nông nghiệp hữu cơ năm 1991 của Liên minh châu Âu. Các nước nhập khẩu quy định chặt chẽ cho các nước sản xuất phải phục tùng nghiêm ngặt các đạo luật trên trước khi các sản phẩm đó được công nhận là sản phẩm hữu cơ.
Theo Trung tâm nghiên cứu và giảng dạy nông nghiệp nhiệt đới ở Costa Rica (CATIE), 75% cà phê hữu cơ của thế giới đến từ châu Mỹ Latinh . Ngoài ra, một số nước châu Á và châu Phi sản xuất cà phê hữu cơ, bao gồm Indonesia và Ethiopia
Do chi phí cao hơn liên quan đến chứng nhận và năng suất thấp hơn do điều kiện canh tác “nghèo nàn” hơn (vì không bổ sung chất hóa học) nên cà phê hữu cơ thường có giá cao hơn cà phê phi hữu cơ. Mặc dù nhiều người tiêu dùng đánh giá cao lợi ích không chỉ cho sức khỏe của chính họ mà còn cho sức khỏe của nông dân và môi trường nhưng vẫn tồn tại nhiều mặt trái của cà phê hữu cơ bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại.
Chứng nhận Fair Trade – Cà phê thương mại bình đẳng
Chứng nhận Fair Trade được sử dụng ở ít nhất 50 quốc gia trên hàng ngàn sản phẩm và nhiều quốc gia có trồng cà phê. Mục đích của chứng nhận là cải thiện mức sống thông qua Thương mại bình đẳng. Chương trình Fair Trade khuyến khích các quốc gia nhập khẩu cà phê phải trả cao hơn giá tiêu chuẩn của thị trường cho cà phê với mục tiêu đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng nhằm nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc (ví dụ như sức khoẻ và an toàn lao động…) Khuyến khích các hoạt động canh tác cà phê bền vững.
Trong một số trường hợp của ngành cà phê, thuật ngữ này còn được gọi là Trade Fair Coffee, Fair Coffee Trade, và Fair Trade Certified.
Mục đích chính của Thương mại công bằng là tạo cho nông dân cơ hội công bằng để cải thiện vị thế thị thị trường của họ. Vào năm 1988 một tổ chức NGO của Hà Lan tên Solidaridad đưa ra sáng kiến khởi động hệ thống chứng nhận Max Havelaar cho cà phê Thương mại công bằng (và sau đó cho các sản phẩm khác) với mục tiêu mang cà phê này vào các kênh siêu thị truyền thống. Sau đó vào năm 1997 Tổ chức Dán nhãn Thương mại công bằng (FLO) được thành lập nhằm hợp nhất các sáng kiến dán nhãn Thương mại công bằng ở các nước tiêu thụ.
Hiện nay có 20 sáng kiến dán nhãn Thương mại công bằng hoạt động tại 21 quốc gia, tạo nên thị trường lớn cho các sản phẩm Thương mại công bằng. Có trên 240 Hợp tác xã tại 26 quốc gia châu Phi, châu Á, và Mỹ La-tinh sản xuất cà phê có chứng nhận Thương mại công bằng.
Liên minh Rừng mưa – Rainforest Alliance / UTZ
Liên minh Rừng mưa xuất hiện vào đầu những năm 1990, là tổ chức chứng nhận cho cà phê thân thiện môi trường gọi là Eco-OK, nay gọi là “Chứng nhận Liên minh Rừng mưa” (Rainforest Alliance Certified) . Nhiệm vụ của Liên minh Rừng mưa là tích hợp sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển con người. Trang trại cà phê được chứng nhận đầu tiên vào 1996. Tới nay số quốc gia có sản xuất cà phê chứng nhận Liên minh Rừng mưa lên tới 18, kể cả Việt Nam.
Vào năm 2018, RFA đã hợp nhất với một chương trình chứng nhận khác có tên UTZ, hay Utz Kapeh, có nghĩa là “cà phê ngon” trong tiếng Maya Quiché. Chứng nhận UTZ được thành lập vào năm 2002 và tập trung xung quanh quy tắc ứng xử của nông trại thiết lập các tiêu chuẩn về thực hành chăn nuôi và trồng trọt cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, nhân quyền và quản lý tổng thể , tương tự như RFA. Với một bộ tiêu chuẩn kết hợp mới được phát hành vào năm 2020, RFA và UTZ đã hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của họ và ngày nay chúng ta gọi nó là Rainforest Alliance (hoặc Rainforest Alliance/UTZ) là chứng nhận chính.
Chứng nhận UTZ ra đời năm 1997 do công ty bán lẻ Hà lan tên Ahold hợp tác với những người sản xuất cà phê Guatemala sáng lập mang tên UTZ Kapek, đến năm 2000, UTZ trở thành một tổ chức độc lập, trước khi đổi tên thành “UTZ Certified Good Inside” vào năm 2008.
Chứng nhận cà phê 4C – Common Code for Coffee Community
Bộ quy tắc ứng xử chung cho cộng đồng cà phê – 4C (Common Code for Coffee Community) do Hiệp hội cà phê Đức và Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Đức (GTZ) hình thành nhằm ăng cường tính bền vững trong chuỗi cà phê nhân “thông thường” và gia tăng lượng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của tính bền vững.
Advertisement
Tham gia sáng kiến nên 4C là những nhà sản xuất do các hiệp hội đại diện, đại diện các Công đoàn và các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tập đoàn lớn trong ngành như Nestlé, Sara Lee/ Douwe Egberts, Tchibo và Kraft…
4C xây dựng dựa trên các thực hành nông nghiệp và quản lý tốt mang tính cơ bản. Bộ quy tắc ứng xử nhắm đến loại trừ những thực hành không thể chấp nhận và khuyến khích cải tiến không ngừng. Khác với các hệ thống chứng nhận kể trên, 4C chỉ kiểm tra sự phù hợp chứ không chứng phận sự phù hợp, do đó không cấp chứng chỉ. Cụ thể hơn, kiểm tra 4C là xem xét sự phù hợp với tiêu chuẩn cơ bản của 4C, bao gồm 28 chỉ tiêu cho phức hợp những quan tâm môi trường, xã hội và kinh tế.
Trong niên vụ hoạt động đầu tiên 2007/2008 , tại 21 quốc gia, 4,5 triệu bao (60kg) cà phê nhân qua kiểm tra phù hợp các tiêu chuẩn 4C.
Cần biết rằng, 4C không cho sử dụng nhãn hoặc logo của 4C nhưng cho sử dụng tuyên bố là thành viên 4C trên bao bì. Tuyên bố thành viên không liên quan gì tới số lượng và chất lượng cà phê chứa bên trong nhưng đó là một phương tiện để cho các thành viên Công nghiệp của 4C nhấn mạnh rằng họ hỗ trợ cho Tiếp cận Bền vững 4C. Có thể sử dụng rộng rãi logo Hiệp hội 4C trên các ấn phẩm, trang web, tài liệu giới thiệu, nhưng không được dùng trên bao bì.
Shade-Grown Coffee – Cà phê được trồng dưới bóng râm
Shade-Grown Coffee cà phê được trồng dưới tán cây. Các cây che mát (cây rừng) giúp bảo vệ cà phê khỏi ánh nắng mặt trời một cách tự nhiên, duy trì một miền nhiệt độ ổn định hơn và làm chậm sự phát triển tổng thể của cây cà phê cũng như quả. Điều này giúp tạo ra những trái cà phê có nhiều chất dinh dưỡng, cho nhân dày đặc và có nhiều hương vị hơn.
Shade-Grown Coffee còn đòi hỏi cây cà phê được chăm sóc hữu cơ nên nên sẽ loại bỏ phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Điều này mang lại kết quả như đảm bảo sự đa dạng sinh học, an toàn cho sức khỏe người nông dân trồng cà phê, bảo vệ nguồn nước và giảm khả năng xói mòn đất nhất là những vùng đồi cao, vùng núi hiểm trở. Thêm vào đó, cây cà phê có quá trình sinh trưởng chậm hơn sẽ chín muồi chậm hơn và tạo ra một hạt cà phê chất lượng cao hơn.
Trong năm 2014, WWF đã phát hiện ra rằng 52% đa dạng sinh học của thế giới đã biến mất. May mắn thay, nhiều vùng trồng cà phê có đa dạng sinh học rất lớn, và cà phê trồng bóng mát có sức mạnh để đảo ngược, hoặc ít nhất là chậm lại, xu hướng đó.
Cà phê thân thiện với chim – Bird Friendly
Bird Friendly là một chứng nhận được tạo ra bởi Trung tâm Chim di cư Smithsonian (Smithsonian Migratory Bird Center – SMBC). SMBC cấp chứng nhận này cho nông dân để quảng bá cà phê được canh tác hữu cơ, có bóng râm và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn môi trường sống cho quần thể chim di cư Trung và Nam Mỹ. Bird Friendly là một trong những chương trình chứng nhận hướng về môi trường đầu tiên cho cà phê và giúp thiết lập các tiêu chuẩn môi trường hiện nay được sử dụng bởi các chứng nhận khác.
Tiêu chí cho bóng râm trong chương trình chứng nhận này chi tiết hơn so với các tiêu chí của chương trình Rainforest Alliance. Chứng nhận thân thiện với chim đòi hỏi ít nhất 11 loài cây tán trên mỗi ha và tán chính phải cao ít nhất 40 feet. Ngoài ra, khu vực sản xuất phải có ít nhất một tán lá 40 phần trăm tạo thành ba lớp rừng và cà phê phải được chứng nhận hữu cơ.
Cuối cùng, các chứng nhận trên đây cung cấp nhiều sự đảm bảo từ bên thứ ba cho người tiêu dùng. Họ có thể chứng thực các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường và có thể tiến tới chứng nhận hữu cơ. Họ có thể đảm bảo rằng không có lao động trẻ em nào tham gia vào sản xuất cà phê. Một số chương trình tập trung nhiều hơn vào giá trả cho nông dân. Các chương trình chứng nhận thường có các trọng tâm khác nhau và chúng ta nên tự tìm hiểu về sự khác biệt của chúng để đưa ra lựa chọn cá nhân dựa trên chất lượng của sản phẩm và trọng tâm của chương trình.
Các bài viết khác liên quan đến “chứng nhận cà phê”: