Thời gian qua, giá chanh dây xô ở Gia Lai tiếp tục đà giảm sâu xuống chỉ khoảng 3.000 đồng/1kg. Trong khi đó, giá trái chanh dây xuất khẩu vẫn ở mức 35.000 đồng/1kg.
Điều này khiến đa số người trồng chanh dây ở Gia Lai lo lắng, nhưng cũng là cơ hội để bà con tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng gia tăng chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Lê Văn Tuấn, ở xã Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có 1,5 ha chanh dây đang thu hoạch. Anh cho biết, tổng sản lượng của vườn đạt khoảng 15 tấn, trong đó 5 tấn là loại xuất khẩu, bán được giá 35.000 đồng/1kg, còn 10 tấn chanh xô (hay còn gọi là chanh múc, chanh chiết dịch), chỉ bán giá 3.000 đồng/1kg. Anh Tuấn ước tính, nguồn thu năm nay chưa đủ lấy công làm lãi.
Theo anh Tuấn: “Chi phí phân thuốc cho chanh cao lắm, chiếm hơn một nửa. Hơn 10 ngày phải bón phân thuốc 1 lần. Tình hình giá cả thế này, mình định hướng phá bỏ vườn này, tuyển chọn giống thật sạch bệnh rồi chăm bón, lấy chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thôi, không chú trọng chanh múc nữa”.
Ông Trần Xuân Khải – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, hiện tỉnh có hơn 4.600ha chanh dây. Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị chanh dây, với 5 nhà máy chế biến lớn, hàng chục cơ sở đóng gói, 32 mã vùng trồng. Định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có vùng nguyên liệu chanh dây đạt 20.000 ha.
Tuy vậy, những năm qua, nông dân vẫn phập phồng nỗi lo chanh mất giá. Nguyên nhân là do sản lượng chanh dây tại Gia Lai đa phần là chanh xô, loại chiết dịch. Từ đầu năm 2023 tới nay, giá chanh xô giảm từ 18.000 đồng/1kg, xuống 5.000 đồng/1kg vào tháng 5, nay chỉ còn 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá chanh xuất khẩu quả loại 1 vẫn luôn ổn định trên 35.000 đồng/1kg trong suốt nhiều năm nay. Tín hiệu của thị trường cho thấy, ngành chanh dây ở Gia Lai cần phải được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng.
Ông Trần Xuân Khải cho biết: “Gia Lai tập trung đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, xây dựng mã số vùng trồng kết nối bà con nông dân thực hành theo quy trình chung, tạo sản phẩm chanh dây đồng nhất chất lượng, số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường các nước”.
Xem thêm:
- Lãi ngon một mùa, chanh dây lại khiến người trồng đứng ngồi không yên
- Nông dân ở Đắk Lắk bất an khi chanh dây rớt giá quá sâu