Ngành cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Do đó, doanh nghiệp ngành sơ chế, chế biến, xuất khẩu cao su cần sự quan tâm của Bộ Tài chính để chính sách thuế được tháo gỡ nhanh hơn, tốt hơn, hỗ trợ cho ngành cao su phát triển…
Tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững” do Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/11/2022, tại TP.HCM, các doanh nghiệp cho rằng một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su.
Canh tác cao su đang gặp nhiều khó khăn.
CHẬM HOÀN THUẾ GÂY KHÓ CHO DOANH NGHIỆP
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su 10 tháng của năm 2022 đạt 1,7 triệu tấn, đem về 2,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp: Latex, SVR 3L, SVR 10, RSS3, SVR CV60… Thị trường Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước
Xuất khẩu cao su nửa đầu năm tăng trưởng cao, tuy nhiên từ tháng 9/2022 đến nay, xuất khẩu cao su tuy vẫn tăng về lượng, nhưng đã giảm về giá, kéo theo giảm về giá trị kim ngạch. Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý 3 đạt 609,17 nghìn tấn, trị giá 930,86 triệu USD, tăng 6% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý 3 và tháng 10/2022, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp giảm 5,5%; latex giảm 6%; SVR 3L giảm 7,1%; SVR10 giảm 5,9%; RSS3 giảm 7,1%; SVRCV60 giảm 8,2%; RSS1 giảm 10,6%…
Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh.
“Vấn đề gây bức xúc là doanh nghiệp xuất khẩu cao su sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ đợi quá lâu, có doanh nghiệp còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỷ đồng. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng”.
Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên đang trở nên gay gắt hơn về giá thành. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Trong khi đó nội tại trong nước, một số chính sách thuế gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như phải kê khai thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại.
Nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng được tiềm năng sản lượng của hơn 265.000 hộ tiểu điền (chiếm trên 60% sản lượng cả nước), trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm. Một số doanh nghiệp đã giảm xuất khẩu cao su hoặc chuyển sang nông sản khác.
Ông Nguyễn Viết Tượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đăk Lăk nêu vấn đề: Các nông, thủy sản sơ chế vẫn đang được hưởng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, sản phẩm mủ cao su sơ chế cũng nằm trong nhóm sản phẩm trồng trọt lại không được áp dụng chung mà phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5% đã gây khó khăn vướng mắc lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su.
“Mặc dù, các doanh nghiệp sẽ được hoàn lại thuế giá trị gia tăng sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ hoàn thuế phải từ 4 – 9 tháng. Trong bối cảnh tài chính khó khăn như hiện nay, có những doanh nghiệp đã nộp hàng chục tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, không còn dòng vốn để phục vụ sản xuất và phải mòn mỏi chờ hoàn thuế”, ông Tượng phản ánh.
Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận cho biết doanh nghiệp thu mua mủ từ nhiều địa phương khác nhau, đều đã đóng thuế đầy đủ tại các địa phương nhưng khi làm thủ tục hoàn thuế tại TP.HCM lại phải chờ cơ quan thuế đi xác minh hoá đơn ở các tỉnh thành.
“Cục Thuế các tỉnh chưa có sự kết nối, gây chậm trễ trong việc xác minh, chậm trễ hoàn thuế cho doanh nghiệp, trong khi số thuế công ty đã đóng lên đến hơn 50 tỷ đồng. Với tình trạng này, công ty đã phải cắt giảm hoạt động, nhiều khi có đơn hàng cũng không dám nhận vì không có vốn để thực hiện hoạt động nhập hàng, xuất khẩu”, bà Thu nêu thực tế.
GỖ CAO SU CŨNG BỊ ĐỐI XỬ BẤT CÔNG
Trả lời vấn đề doanh nghiệp nêu ra, bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thừa nhận, nếu so sánh với sản phẩm trồng trọt khác như cà phê, điều… thì việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với mủ cao su sơ chế và 10% với mủ cao su qua chế biến có vẻ không công bằng.
“Tuy nhiên, việc tính thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ đầu vào, nếu không tính thuế giá trị gia tăng cho mủ sơ chế thì các doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản đầu vào để hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nên cân nhắc đến kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho mủ cao su sơ chế”, bà Tuyết nêu quan điểm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết ngành cao su hàng năm đóng góp 7 -8 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với 3 sản phẩm chính gồm: cao su thiên nhiên (mủ cao su), sản phẩm công nghiệp từ cao su và gỗ cao su. Trong đó con số 2,8 tỷ USD kim ngạch trong 10 tháng mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su.
“Các loại cây trồng vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế, trong khi gỗ cây cao su khi thu hoạch và bán lại phải chịu mức thuế cao đến 20%. Việc không đưa gỗ vườn cây cao su vào đối tượng hưởng thuế suất ưu đãi đối với sản phẩm trồng trọt là chưa phù hợp”.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Theo ông Thuận, gỗ cao su cũng đang trở thành sản phẩm đem lại nguồn thu lớn. Sau 20-25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo. Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác, khi thanh lý có giá trị thu hồi.
Về chính sách tài chính đối với đất đai, đại diện Công ty YNHH Một thành viên Cao su Chư Prông cho hay để tái canh, các doanh nghiệp phải tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6 – 8 năm.
“Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp. Tiền thuê đất sẽ hạch toán vào chi phí đầu tư của vườn cao su tái canh, tính khấu hao vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành dẫn đến giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác”, đại diện Công ty Cao su Chư Prông nhấn mạnh.
Từ phản ánh của các doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế như những nông, thủy sản sơ chế khác; Xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như các sản phẩm trồng trọt khác; Xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản.