Chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người

Sau ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào tháng 4/2023, vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 01 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn tại huyện Krông Pắk. Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus Suis gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh liên cầu lợn.

Đầu tháng 5/2023, ông Y.T.B trú tại xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắc đi dự đám giỗ ở nhà bà con tại TP. Buôn Ma Thuột, có ăn một ít tiết canh lợn do nhà làm. Sau khi ăn tiết canh lợn vào buổi trưa, đến tối cùng ngày ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai và dùng thuốc nhưng không thuyên giảm. Ngày 4/5, ông Y.T.B vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi quai bị, theo dõi viêm tai giữa trên nền đái tháo đường type 2. Đến ngày 6/5, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis và được chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptococcus Suis. Nhờ được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời nên bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng, hiện sức khỏe của ông Y.T.B đã dần ổn định.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2023, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cũng tiếp nhận điều trị bệnh liên cầu lợn cho bệnh nhân P.K.T (trú tại huyện Ea H’leo).

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, qua theo dõi tại Bệnh viện cho thấy, hằng năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận từ 5-7 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Chỉ mới 4 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc bệnh.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu lợn.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín, hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…

Biểu hiện của người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Khi mắc bệnh, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong, trong trường hợp bệnh nhân hồi phục thì bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề khác.

Advertisement

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm khuyến cáo người dân đề phòng hai con đường lây bệnh đó là ăn uống và tiếp xúc ngoài da. Quan trọng nhất là người dân nên “ăn chín, uống sôi”, không ăn tiết canh động vật và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; người tham gia chăn nuôi, giết mổ động vật cần cẩn thận phòng ngừa đường lây khi tiếp xúc. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Advertisement

About admin

Check Also

Cần xử lý nghiêm việc khai thác đất trái phép tại xã Chứ Kbô

Tình trạng khai thác đất trái phép ở xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) gây …