Những ngày này, bà con Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại, dịch vụ Ia Chim, (TP. Kon Tum) đang tất bật vào mùa làm hoa, thụ phấn cho vườn sầu riêng .
Sầu riêng là cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, nhưng cũng rất “đỏng đảnh” với nắng gió Tây Nguyên. Trong quá trình chăm sóc, quy trình làm hoa, thụ phấn, dưỡng quả là công đoạn chăm sóc rất quan trọng.
Hoa sầu riêng nở vào ban đêm, tỷ lệ đậu quả do cây tự thụ phấn thấp. Vì vậy, nhiều gia đình phải sử dụng chổi quét phấn để tăng khả năng đậu quả cho cây.
Quy trình tưới nước, bón phân là yếu tố rất quan trọng để tạo ra năng suất và chất lượng thơm ngon cho quả sầu riêng.
Hệ thống tưới phun mưa được bà con ứng dụng vào quy trình chăm sóc. Với phương thức tưới này, vừa tiết được nhân công, tiết kiệm nước, vừa kết hợp bơm bón phân và thuốc phòng chống sâu bệnh.
Trong trang trại hơn 2 ha, ông Phạm Văn Quang đang tỉa cành, chăm sóc những quả sầu riêng ra sớm. Năm nay, ngoài hơn trăm cây sầu riêng Thái, gia đình ông còn chăm và thử nghiệm cho ra hoa giống sầu riêng Musaking – là giống sầu riêng có xuất xứ từ Maylaysia, khi làm hoa cần kỹ thuật rất cao.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Dịch vụ Ia Chim đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) tổ chức kiểm tra và cấp mã vùng trồng sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để trái sầu riêng của bà con xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị cho cây trồng tỉnh nhà.
Trong thoang thoảng hương sầu riêng, câu chuyện về làm hoa, thụ phấn, dưỡng quả được bà con chia sẻ những “bí quyết” với mong muốn có một mùa sầu riêng bội thu.
Theo ông Bùi Trung Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại, dịch vụ Ia Chim, hiện nay, tổng diện tích sầu riêng có gần 50ha. Vụ năm 2023, Hợp tác xã làm hoa, thụ phấn cho khoảng 40ha, sản lượng ước đạt 500 tấn sầu riêng quả.
Xem thêm: Báo Thái Lan: Sầu riêng Việt có lợi thế vào thị trường Trung Quốc hơn sầu riêng Thái