Công bố và xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số của cơ quan nhà nước Đắk Lắk năm 2022

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định công bố và xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số của cơ quan nhà nước (DTI) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số.

Qua đánh giá xếp hạng, về DTI cấp sở, dẫn đầu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 0,81979 điểm; tiếp đó là Sở Tư pháp xếp vị trí thứ hai với 0,81735 điểm; sở Công Thương xếp thứ ba với 0,79511 điểm. Xếp cuối bảng lần lượt là các sở, ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường (0,67884 điểm); Thanh tra tỉnh (0,67374 điểm); Sở Giao thông vận tải (0,64125 điểm).

Văn phòng Chính phủ kiểm tra công tác chuyển đổi số ở Bộ phận 1 cửa thành phố Buôn Ma Thuột

Về DTI cấp huyện, UBND TP. Buôn Ma Thuột đứng đầu với 0,82369 điểm; xếp thứ hai là UBND huyện Ea H’leo với 0,79303 điểm; vị trí thứ ba thuộc về UBND huyện Krông Pắc với 0,73937 điểm. Đứng cuối bảng lần lượt là UBND các huyện: Krông Bông (0,52774 điểm), Cư M’gar (0,52293 điểm), Ea Súp (0,52187 điểm).

DTI cấp sở được đánh giá dựa trên 2 nhóm (chỉ số nền tảng chung; nhóm chỉ số hoạt động); với 6 chỉ số chính (gồm: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; Hoạt động chính quyền số), 41 chỉ số thành phần, tính theo thang điểm 1.000.

DTI cấp huyện được đánh giá dựa trên 2 nhóm (chỉ số nền tảng chung; nhóm chỉ số hoạt động), có 8 chỉ số chính (Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; Hoạt động chính quyền số; Hoạt động kinh tế số; Hoạt động xã hội số), 65 chỉ số thành phần, tính theo thang điểm 1.000.

Sở NN&PTNT đánh giá phân hạng sản phẩm OCOOP -Ảnh minh họa

Theo đánh giá UBND tỉnh, năm 2022, là năm thứ ba tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện đánh giá Chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan, nhà nước thuộc tỉnh; Do đó các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều kinh nghiệm triển khai; đặc biệt là nhận thức về vai trò, ý nghĩa của chỉ số đánh giá trong quản lý, điều hành tại cơ quan, đơn vị.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc bước đầu thực hiện triển khai hoạt động Chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị. Thể hiện ở giá trị trung bình đạt 0,7398 điểm cấp sở và 0,62762 điểm cấp huyện.

Nhận thức, thói quen từ môi trường thực sang môi trường số từng bước được chuyển đổi và tiến trình Chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các sở, ban, ngành của tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số và sự cố gắng, nỗ lực các cấp, các ngành trong công tác chuyển đổi số. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số đã được các sở, ban, ngành quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Điển hình là 100% các sở, ban, ngành của tỉnh đã ban hành các Chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch giai đoạn và năm về Chuyển đổi số. Năm 2022 các sở, ban, ngành của tỉnh đạt từ 200 điểm đến 300 điểm đối với chỉ số Chính quyền số. Tuy nhiên, nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng về chuyển đổi số của một số cán bộ, công chức, viên chức, người dân về chuyển đổi số còn hạn chế.

Advertisement

Việc xếp hạng DTI là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển, chuyển đổi số của tỉnh; từ đó tạo điều kiện để các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố theo dõi chỉ số, các tiêu chí thành phần về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh.

Trên cơ sở đánh giá kết quả chuyển đổi số, UBND tỉnh yêu cầu Thủ tưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Tăng cường chỉ đạo, điều hành việc triển khai Chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”…Tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả chỉ số chuyển đổi số năm 2022 trong phạm vi đơn vị mình để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và xác định Chỉ số chuyển đổi số.

Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai và kết quả đánh giá chuyển đổi số năm 2022 để tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc trong việc cải thiện nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, biện pháp cần thiết để phát huy những tiêu chí có điểm số cao, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những tiêu chí đạt điểm thấp. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính.

Advertisement

About admin

Check Also

Nỗi đau sau vụ án học sinh phạm tội giết người

Vào ngày 24/11/2024, 4 bị cáo trẻ tuổi bị kết án tù vì gây án …