Thái Lan quyết định tự nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới nhằm giữ thị phần.
Người Thái tự nâng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu
Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng thị trường hơn 1,4 tỷ dân này vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng.
Sầu riêng Thái Lan “phủ sóng” tại Trung Quốc nhiều năm nay. Nhờ đó, nông dân xứ chùa Vàng thu về vài tỷ USD mỗi năm.
Thế nhưng, sầu riêng Thái Lan hiện có thêm đối thủ cạnh tranh. Từ tháng 7/2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Ngoài ra, từ 4/1/2023, Trung Quốc cũng cho phép sầu riêng Philippines xuất sang nước này.
Thực tế, từ tháng 9/2022 (thời điểm xuất lô sầu riêng sang Trung Quốc theo nghị định thư) đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng đột biến. Thậm chí, tháng 10 ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc còn tăng khoảng 4.120% so với cùng kỳ năm 2021. Sầu riêng Việt được người tiêu dùng ở thị trường này ưu chuộng, giá bán cạnh tranh với sầu Thái Lan.
Những tháng cuối năm 2022, truyền thông Thái Lan liên tục đề cập việc sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Trung Quốc với giá cả cạnh tranh khiến nông dân Thái Lan không khỏi bất an.
Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023 ở miền đông Thái Lan sắp đến, với sản lượng ước khoảng 756.456 tấn sầu riêng tươi, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc thu hái sầu riêng chính thức từ ngày 10/3. Các giống sầu riêng Puang Manee, Chani và Monthong lần lượt được thu hoạch.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, năm nay, Thái Lan nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Cùng với đó, Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển.
Theo chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, chất khô trong quả tăng thì nước ít đi. Như vậy quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Đây là một động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Queen Frozen Fruit Co, Ltd – một trong những nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Thái Lan – đã ký thỏa thuận với nhóm doanh nghiệp Trung Quốc về việc bán 5.000 container sầu riêng tươi và đông lạnh. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Prapat Pothasuthon cho biết, thỏa thuận khẳng định các đơn đặt hàng sầu riêng Thái Lan sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, đảm bảo đầu ra cũng như lợi nhuận cho nông dân Thái Lan.
Theo Chủ tịch của Queen Frozen Fruit Co, Ltd, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Thái Lan. Tổng các đơn đặt hàng từ thị trường này đã vượt 200.000 tấn trong năm 2023.
Sầu Việt đừng ép số lượng mà quên chất lượng
Các vựa sầu ở Việt Nam cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Đơn hàng từ các nhà nhập Trung Quốc dồn dập đổ về. Một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở nước ta tiết lộ, mỗi tháng họ xuất 1.000 tấn sầu riêng theo đơn đặt hàng từ phía đối tác nhập khẩu Trung Quốc.
Tại diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản và thực phẩm với Trung Quốc mới đây, bà Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cũng cho hay, lần về nước này bà mang theo đơn hàng sầu riêng lên tới 150.000 tấn.
Tuy nhiên, bà khẳng định thị trường Trung Quốc giờ khó tính ngang với Mỹ và Nhật Bản. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước không nên “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.
“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả số lượng múi không đủ, vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại, ảnh hưởng xấu tới uy tín ngành hàng”, bà My nói.
Nhận định là thị trường lớn và tiềm năng với quả sầu riêng, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, tiết lộ dự tính xuất khẩu 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023.
Tuy nhiên, bà cũng lo lắng về vấn đề chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay. Bởi, vừa qua giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Trong khi thương lái thiếu hàng chấp nhận gom mua tất cả các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.
“Chúng ta mất rất nhiều năm mới có thể xuất khẩu chính ngạch được sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất khẩu để chiếm thị phần, nay lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, chẳng khác nào quay lại thời kỳ tư duy buôn chuyến”, bà nói.
Bà cũng nhấn mạnh, không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm mới xây dựng được.
Trao đổi về thị trường sầu riêng Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định, sầu Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu Thái và Philippines. Ông dẫn chứng, sản lượng sầu của Việt Nam hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa.
Quãng đường vận chuyển từ nước ta sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu Việt tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.
Nhờ đó, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thành trái cây tỷ USD. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về vấn đề gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu,… Không làm tốt những vấn đề này sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc vì các đối thủ cạnh tranh của sầu Việt ngày càng mạnh.