Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT

Trên cơ sở định hướng Nghị quyết 96-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động đầu tư cho công tác truyền thông tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần với người dân.

Kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, thuộc trung tâm khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Với dân số trên 1,9 triệu người, trong đó 47 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 32,5% (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 20,4%). Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, 184 xã, phường, thị trấn (trong đó 54 xã khu vực III, đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế – xã hội; trong đó có 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Với địa bàn rộng nên công tác truyền thông, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ người dân tra cứu thông tin quá trình tham gia BHYT

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Trưởng Phòng Truyền thông chính sách, BHXH tỉnh cho biết, theo định hướng tại Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng xây dựng nội dung truyền thông ngắn gọn, chuyển tải các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ.

“Bên cạnh các nội dung mang tính phổ biến kiến thức về chế độ BHXH, BHYT, chúng tôi cũng tăng cường đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tích cực truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Chú trọng nội dung truyền thông đặc thù như: truyền thông đối với NLĐ trong các doanh nghiệp; truyền thông đối với người đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV…”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin.

Thống kê BHXH tỉnh, từ 2018 tới nay, hằng năm đơn vị đã chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể triển khai hiệu quả hình thức truyền thông trực tiếp với hơn gần 800 hội nghị đối thoại trực tiếp, gần 700 cuộc tư vấn nhóm nhỏ, theo hộ gia đình. Đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, mô hình tổ chức truyền thông đa dạng về hình thức: đối thoại, tọa đàm trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, theo hộ gia đình…

Ngành bảo hiểm ra quân tuyên truyền cao điểm về chính sách BHYT toàn dân

Giai đoạn 2020-2022, trước tình hình dịch Covid-19, cơ quan BHXH tinh đã chủ động phối kết hợp từ trực tuyến đến trực tiếp. Theo đó, đã tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo nói và báo/tạp chí điện tử với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN ngày một tăng.

Đồng thời, đẩy mạnh việc sản xuất, đăng tải, phát sóng các thể loại báo chí hiện đại về BHXH, BHYT, BHTN như: Đối thoại trực tuyến, bài Infographic, video clip góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả. Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được phát huy tối đa và hiệu quả.

Đáng chú ý là đã tổ chức các buổi ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận thôn, buôn, xã phường về chính sách BHYT, BHXH bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Ê đê, Mnông).

Từ tháng 9/2021, BHXH tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập hai kênh truyền thông chính thức trên mạng xã hội Zalo, Facebook với tên gọi “BHXH tỉnh Đắk Lắk”. Bên cạnh đó là 14/14 BHXH cấp huyện đều có hệ thống Fanpage hoặc nhóm face. Đồng thời, công chức, viên chức và người lao động toàn hệ thống tích cực sử dụng tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo…) đăng tải rộng rãi các ấn phẩm truyền thông về BHXH, BHYT.

Tính đến hết tháng 9/2022, tỉnh Đắk Lắk có 105.031 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2.954 người so với cuối năm 2021. Người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số với hơn 1,6 triệu người, đạt 96% kế hoạch. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 là 2.469 tỷ đồng, đạt 70,18% kế hoạch. Tỷ lệ người tham gia qua các năm đều tăng lên, điều này cho thấy công tác truyền thông đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân chủ động tham gia chính sách an sinh xã hội.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong truyền thông

Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk nhận định, trong những năm qua, công tác truyền thông của BHXH tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Đắk Lắk từ 1.600 người năm 2016, tăng lên gấp trên 10 lần, hiện đạt gần 18.000 người (tháng 9/2022). Số BHYT tiếp tục được duy trì và tăng trưởng tích cực, hiện đạt trên 1,6 triệu người tham gia, đạt gần 95% chỉ tiêu đặt ra.

Advertisement

Đoàn thanh niên BHXH tỉnh ra quân hỗ trợ cài đặt VSSID và tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH

Thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hằng năm chú trọng xây dựng Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông ngay từ đầu năm để chỉ đạo các đơn vị tổ chức, triển khai, thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông; đa dạng hình thức truyền thông hướng tới sự phù hợp với đặc thù của của các nhóm dân cư trên địa bàn.

Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông xuống tận cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp; góp phần làm chuyển biến về nhận thức và nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành Luật BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị SDLĐ, NLĐ và nhân dân.

Tại buổi làm việc ngày 5/10, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu đến từng thôn, bản. Với 47 dân tộc cùng sinh sống, công tác truyền thông cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm văn hóa từng dân tộc. Để làm được điều đó, bảo hiểm xã hội tỉnh cần phát triển đội ngũ tuyên truyền viên rộng khắp là các già làng, trưởng ban, người có uy tín trong cộng đồng, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Dương Văn Hòa- Trưởng Ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) dư địa phát triển còn nhiều, nhưng thời gian còn lại của năm sắp hết nên cần tập trung vào những nhóm tiềm năng nhất của địa phương. Đặc biệt là nhóm hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% khi tham gia bảo hiểm y tế và tỉnh Đắk Lắk cũng hỗ trợ thêm 30% nên số tiền một người phải đóng còn rất ít nên bảo hiểm xã hội tỉnh cần đẩy mạnh truyền thông, vận động khoảng 200.000 người thuộc nhóm này.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông vận động nhóm học sinh, sinh viên; hộ kinh doanh cá thể; thân nhân người lao động, cán bộ viên chức tham gia bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tham mưu tỉnh có thêm mức hỗ trợ. Cũng như phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng doanh nghiệp và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội; số doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Advertisement

About admin

Check Also

Thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông ở huyện Cư M’gar

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Ban ATGT huyện Cư M’gar thăm …