Giá hồ tiêu trong nước ngày 16-6 chững lại và đi ngang. Ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, giá xê dịch từ 71.000 – 73.500 đồng/kg, tại Bình Phước từ 72.000 – 73.000 đồng/kg.
Trên các mặt báo, những cái tít như: Hồ tiêu mất giá thê thảm; Nông dân lao đao với “vàng đen”; Hồ tiêu rớt giá, mất mùa, nông dân vỡ nợ… càng khiến người trồng và kinh doanh hồ tiêu thêm nản.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng qua, giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 3.011 USD/tấn, giảm 35% so cùng kỳ năm 2022. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm qua.
Cũng 5 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 138.000 tấn hạt tiêu, tương đương 414 triệu USD, tăng 38,4% về khối lượng, nhưng giảm 9,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Nghịch lý chua xót này, không chỉ người trồng tiêu mà các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu cùng gánh chịu.
[ Xem giá tiêu mới nhất ]Là một trong những thủ phủ hồ tiêu khu vực Nam Bộ, nhiều nông hộ ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từng đổi đời nhờ loại cây được mệnh danh là “vàng đen” này.
Thời điểm cuối năm 2013, giá hồ tiêu cao đỉnh điểm – 180.000 đồng/kg, khiến nông dân Bình Phước ồ ạt xuống giống. Nhiều diện tích cao su, cà phê, cây ăn trái… dù chất đất cùng các điều kiện khác không phù hợp vẫn được ép cây tiêu vào. Người may mắn thì thu được vài năm. Người kém may mắn thì phải trả giá với sâu bệnh, nấm hoặc tiêu không ra trái.
Nghề gì cũng phải hiểu rõ những điều kiện cần và đủ cũng như hiểu rõ thị trường. Và trồng hồ tiêu không ngoại lệ.
Mấy năm qua, khi giá hồ tiêu lao dốc rồi xuống đáy 34.000 đồng/kg (tháng 3-2020), cộng với sâu bệnh, nấm trên cây tiêu, nông dân Bình Phước lại điêu đứng với vòng xoay trồng – chặt. Nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang. Nhiều nông hộ cố giữ vườn tiêu thì lâm vào nợ nần đến mức phải gán vườn trả nợ.
Năm 2016, khi giá tiêu xoay quanh mốc 130.000 đồng/kg, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.452 ha. So với các loại cây khác, trồng hồ tiêu vẫn cho lợi nhuận cao nhất nên diện tích tiếp tục tăng.
Đến năm 2018, khi diện tích hồ tiêu toàn tỉnh lên tới 17.178 ha – cao nhất cả nước thì giá hồ tiêu hạ nhiệt, chỉ còn 55.000 – 58.000 đồng/kg.
Và suốt từ đó đến nay, giá hồ tiêu không gượng nổi, trong khi theo tính toán của nhà vườn, nếu giá hồ tiêu dưới 100.000 đồng/kg thì người trồng sẽ không có lời. Thế nên diện tích trồng hồ tiêu mỗi năm lại giảm hàng trăm héc ta, hiện toàn tỉnh chỉ còn 135.500 ha.
Đã có rất nhiều giải pháp được các ngành chức năng đưa ra để hỗ trợ người trồng tiêu. Từ khuyến khích phát triển cây tiêu theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với quản trị hiện đại, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển cây tiêu bền vững; đến xây dựng thương hiệu, hỗ trợ người trồng tiêu được vay vốn ngân hàng…
Tuy nhiên, vòng xoay trồng – chặt nghiệt ngã vẫn bám lấy người trồng tiêu. Chỉ cần làm phép tính đơn giản: Phải mất 3 năm trồng, cây tiêu mới cho trái bói và phải từ năm thứ 3 sau khi cho bói, cây tiêu mới cho năng suất cao. Vậy là khi giá tiêu lên cao, nông dân quay lại trồng thì phải mất ít nhất 4-5 năm không có thu nhập. Rất nhiều gia đình đã điêu đứng vì cuộc rượt đuổi mệt nhoài với thị trường này.
Sự nghiệt ngã của thị trường và cả sự bất lực của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp, khuyến nông khi họ chỉ có thể “khuyến cáo” bằng lời qua các buổi tập huấn khuyến nông hay thăm vườn… đã không mang lại kết quả như mong đợi. Cũng như các loại cây khác, nếu người trồng tiêu cứ mang tư tưởng “ăn xổi”, vội vã đuổi sau thị trường một cách thụ động thì rất khó thoát khỏi cảnh “đuổi hình bắt bóng” trồng – chặt. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ với tổng diện tích 584.453 ha vẫn đang chờ những bàn tay, khối óc điềm tĩnh của người nông dân đánh thức và làm giàu cho quê hương Bình Phước.
Xem thêm: