Sầu riêng của Việt Nam là ngành hàng dự kiến sẽ mang lại giá trị rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả, có thể năm 2023 sẽ vượt mốc tỷ đô.
Mặc dù vậy, sự tăng trưởng nhanh chóng cũng kéo theo nhiều vấn đề khó khăn đi cùng đòi hỏi cần có các giải pháp tháo gỡ để đưa ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững.
Còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ
Đối với ngành hàng sầu riêng, tính đến nay, cả nước có hơn 112.000 ha. Diện tích đã có tốc độ tăng trưởng nhanh khi bình quân mỗi năm tăng gần 25% trong 5 năm gần đây. Trong đó, sầu riêng tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên với hơn 52.000 ha (khoảng 47%), vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33.000 ha (khoảng 30%), vùng Đông Nam bộ 21.000 ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác. Sản lượng sầu riêng hiện nay khoảng 900.000 tấn.
Hai năm qua, giá sầu riêng ghi nhận đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và đến 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp gần 3 lần so với cả năm 2022). Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm nay đạt 1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm 2022. Thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng nước ta gồm: Trung Quốc, Nhật, Úc,… chủ yếu là quả tươi và cấp đông.
Thực tế trên cho thấy, sầu riêng đã có mức tăng rất mạnh về cả diện tích và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2023.
Mặc dù vậy, sự tăng trưởng nóng cũng kéo theo nhiều vấn đề “nổi cộm” cần được nhận diện và tháo gỡ.
Trước tiên, đó là vấn đề về công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo ông Nguyễn Hữu Chiến – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Đây là một vấn đề bất cập.
Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn từ các khâu như: nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
[ Mã số vùng trồng là gì? ]Phản ánh của một số địa phương cho thấy, về vấn đề vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, hiện chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ các quy định về xuất khẩu. Đáng chú ý, hiện nay một số hợp tác xã, người dân, vùng sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của mã số vùng trồng buộc phải đẩy mạnh tuyên truyền,…
Thứ nữa, đó là việc “tranh mua, tranh bán” diễn ra thường xuyên. Điều này gây rất nhiều bất lợi cho cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp thu mua.
Nhìn nhận về những “điểm nghẽn” của ngành hàng sầu riêng hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, hiện nay, ngành hàng còn nhiều “nút thắt”. Đó là tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu và nguồn nhân lực, quy trình chuẩn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, hiện nay, ngành hàng sầu riêng vẫn đang đối diện với một số khó khăn như: Giao thông không thuận lợi, chi phí logistics cao, chiếm 30% chi phí cấu thành giá, chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu, diện tích canh tác còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, chưa có quy trình chuẩn từ cây giống, sản xuất nên chất lượng chưa thực sự ổn định. Các liên kết giữa doanh nghiệp – nông hộ sẵn sàng bị “bẻ gãy” khi giá lên cao.
[ Xuất khẩu sầu riêng: nỗi lo sau ‘điểm sáng’ hàng tỉ đô la ]Để trái sầu riêng đi xa hơn
Để trái sầu riêng của Việt Nam ngày càng đi xa hơn, rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra. Theo ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho rằng, về logistics, cần có các cơ chế chính sách để đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi, khuyến khích phát triển các dịch vụ logistics tại vùng nguyên liệu, tiến hành thành lập cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần sớm thiết lập các điển hình liên kết tiên tiến giữa các doanh nghiệp – nông hộ – hợp tác xã về mọi mặt.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cần xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng sầu riêng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước. Để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Toản đề cao vai trò của chính quyền cơ sở. Bởi đây là nơi sát với hoạt động thực tiễn của ngành hàng, có những chính sách điều hành, ứng phó kịp thời.
Ông Toản cũng nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông. Đây sẽ là giải pháp giúp cho nông dân tự chủ hơn trong quy trình canh tác, quyết định mua bán, đồng thời để các nhà cung cấp, sơ chế, chế biến có cái nhìn sát hơn với yêu cầu thị trường.
Bàn về các giải pháp phát triển ngành hàng sầu riêng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.
“Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát. Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước địa phương là người gần nhất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; đưa người nông dân vào không gian chung, tổ chức chung để truyền thông, thông tin, thống nhất trong sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường.
Hiện nay, ngành hàng sầu riêng của nước ta đang có nhiều cơ hội để phát triển. Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sắp tới, Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ – một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy, sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường.
Trên thực tế, sầu riêng Việt Nam hiện đang có tiềm năng rất lớn, đòi hỏi chúng ta cần tận dụng cơ hội này để phát huy thế mạnh của ngành hàng, mang lại giá trị lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả nói riêng và xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung, đồng thời mang lại giá trị thu nhập cho người nông dân. Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng với các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, bà con nông dân,…cần chung sức, chung lòng để cùng tháo gỡ các khó khăn. Đặc biệt là tháo gỡ những vấn đề còn bất cập liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở hạ tầng logistics, có chế tài đủ mạnh xử phạt liên quan đến việc cạnh tranh không lành mạnh,…Đặc biệt, quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng những vùng trồng sầu riêng đảm bảo về chất lượng, mẫu mã, mang thương hiệu riêng của Việt Nam. Từ đó, xây dựng ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, góp phần đưa trái sầu riêng của Việt Nam ngày càng đi xa hơn trên thị trường thế giới.