Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Sáng 4/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y Thông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (gọi tắt là Chỉ thị 13), nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao. Tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. So với giai đoạn 2012 – 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5%, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%.

Công tác trồng rừng có nhiều kết quả khả quan, giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh trồng được 12.405 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 10.108 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 497 ha.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng trên địa bàn hơn 488 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào và có sức lan tỏa rộng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp; công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất Trung ương quan tâm, giải quyết một số vấn đề như: đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên để quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng; tăng cường quyền hạn cho chủ rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng mức hỗ trợ tương ứng cho công tác bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng; có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân di cư tự do tại các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu đồng/ha trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha trở lên để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng…

Advertisement

Đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, cần phân tích và nghiên cứu các giải pháp hiệu quả nhằm hướng đến phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng; tiến hành đánh giá, dự báo tình hình trong thời gian tới nhằm nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng…

Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời sẽ tiến hành tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư để kịp thời hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhằm phát huy lợi thế của rừng trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

Advertisement

About admin

Check Also

Gần 45% vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ

Ban An toàn giao thông tỉnh thông báo về tình hình tai nạn giao thông …