Đua chặt hồ tiêu, cao su… để trồng sầu riêng

Dù các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhưng nhiều nông dân cho rằng giá sầu riêng sẽ vẫn duy trì ở mức cao thời gian tới do cung không đủ cầu. Giá sầu riêng tăng cao, nông dân tại nhiều địa phương đua nhau phá bỏ các vườn tiêu, cao su… để trồng sầu riêng.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích trồng sầu riêng trong nước đang vào khoảng 110.000ha, với tốc độ tăng trưởng 24% mỗi năm. Trong đó, Tây Nguyên là khu vực có diện tích lớn nhất với hơn 51.000ha. Tiếp đến là Tây Nam Bộ 33.000ha và Đông Nam Bộ gần 21.000ha.

Giá sầu riêng đứng ở mức cao, nông dân tại nhiều địa phương đã chặt bỏ các vườn cây cao su, hồ tiêu… để chuyển sang trồng sầu riêng - Ảnh: TẤN LỰCGiá sầu riêng đứng ở mức cao, nông dân tại nhiều địa phương đã chặt bỏ các vườn cây cao su, hồ tiêu… để chuyển sang trồng sầu riêng - Ảnh: TẤN LỰC
Giá sầu riêng đứng ở mức cao, nông dân tại nhiều địa phương đã chặt bỏ các vườn cây cao su, hồ tiêu… để chuyển sang trồng sầu riêng – Ảnh: TẤN LỰC

Không lo thiếu đầu ra cho trái sầu riêng?

Với giá sầu riêng tăng cao thời gian qua, nhiều nông dân tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang “thẳng tay” chặt phá tiêu, cà phê, cao su… để trồng sầu riêng. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu (57 tuổi, trú thôn Chư Blôi, xã Ea Bar), chủ vườn sầu riêng 4ha với 550 cây, cho biết khu đất này từng được trồng tiêu và cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao, giá bán bấp bênh nên ông quyết định chặt phá toàn bộ để chuyển sang trồng sầu riêng.

“Tạm thời tôi thấy sầu riêng đang có giá thành tốt và vùng đất đỏ của xã Ea Bar rất phù hợp trồng cây sầu riêng. Về mặt giá trị kinh tế, sầu riêng vượt trội hơn hẳn cà phê và tiêu. Ví dụ, khoảng 10 cây sầu riêng, giá trị đem lại đã bằng 1ha tiêu. Ngoài ra, phân, thuốc để chăm sóc cây sầu riêng vẫn rẻ hơn các loại cây khác nên tôi quyết tâm chặt phá toàn bộ cà phê, tiêu để chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Sầu riêng tuy rằng giá cả có thời điểm thấp nhưng vẫn cao hơn các loại cây còn lại”, ông Hiếu nói.

Bà Trần Thị Bích Hòa (40 tuổi, trú thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar) cho biết vợ chồng bà đang trồng 120 cây sầu riêng trên diện tích đất 1ha. Trước đây, diện tích đất này dùng trồng khoai mì nhưng loại cây này có hiệu quả kinh tế quá thấp nên vợ chồng bà quyết định phá bỏ và chuyển sang trồng sầu riêng. “Người dân ở trên này trồng sầu riêng nhiều lắm, đa số là cưa bỏ cà phê, hồ tiêu… để trồng sầu riêng. Sầu riêng được giá và được mùa nên ai cũng chạy theo loại cây này”, bà Hòa cho hay.

Ông Đinh Ngọc Dạn, chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết hiện trên địa bàn huyện có khoảng 500ha trồng sầu riêng. Trong đó có rất nhiều hộ dân chuyển từ trồng các loại cây ngắn ngày như mía, khoai mì, tiêu, cà phê… sang trồng sầu riêng với hy vọng cải thiện kinh tế. “Việc người dân ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng, chúng tôi đã nắm được.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đến làm việc với huyện để đặt hàng mua sầu riêng, trong khi diện tích thu hoạch sầu riêng vẫn chưa nhiều lắm nên chúng tôi cũng không lo thiếu đầu ra”, ông Dạn cho hay.

Giá sầu riêng còn cao nhiều năm nữa?

Ông Hoàng Văn Chọn, nông dân trồng gần 100ha sầu riêng tại huyện Đức Cơ (Gia Lai), cho rằng chưa cần phải lo về giá, với lý do nguồn cung vẫn chưa đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong tương lai, dù nguồn cung tăng lên đáp ứng đủ nhu cầu, giá sầu riêng vẫn tiếp tục duy trì mức cao. “Ngoài ra, bên cạnh thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp đang thăm dò xuất khẩu sang Ấn Độ. Dù cần thời gian để thị trường phản hồi, một khi người Ấn Độ ăn sầu riêng, thị trường xuất khẩu sẽ rộng lớn hơn nữa”, ông Chọn lạc quan.

Advertisement

Cũng theo ông Chọn, chỉ cần giá sầu riêng đạt mức 40.000 – 50.000 đồng/kg, người trồng đã có lời hơn nhiều loại nông sản khác chứ chưa nói tới mức giá thị trường dao động 100.000 đồng/kg như hiện nay. Nhiều nông dân khác cũng cho hay chưa phải lo sầu riêng dư cung do mùa thu hoạch sầu riêng Việt Nam dàn trải kéo dài nhiều tháng, không tập trung cùng một thời điểm nên không lo ngại bị ùn ứ. Chẳng hạn, mùa sầu riêng đến sớm ở miền Tây, sau đó mới tới miền Đông và cuối cùng là Tây Nguyên.

Nhiều nông dân cho rằng thay vì lo lắng đầu ra, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất bền vững, đưa sầu riêng Việt Nam thâm nhập được vào chuỗi xuất khẩu. Trong đó, tạo điều kiện và nhanh chóng cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Giúp trái sầu riêng làm ra rộng đường xuất khẩu, tiếp tục là loại nông sản mang về hàng tỉ USD cho Việt Nam. Tránh cảnh nông dân phải chạy vạy đi mua mã số vùng trồng, vừa vi phạm quy định lại thiếu bền vững.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân trên địa bàn trồng xen trong các vườn tiêu, cà phê và các cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài. Nếu thời gian tới, giá sầu riêng vẫn tốt họ sẽ chuyển đổi dần hoặc ngược lại. Việc trồng xen giúp nông dân có thể thu hoạch cùng lúc hai sản phẩm, giảm thiểu rủi ro.

“Cây sầu riêng mất bốn năm mới cho thu hoạch, do đó người dân rất ngại phá cà phê để chuyển đổi. Việc trồng độc canh phần lớn thuộc về các doanh nghiệp lớn hoặc những nông dân có năng lực tài chính mạnh”, một lãnh đạo của cơ quan này nói.

Theo NGUYỄN HOÀNG – TẤN LỰC (báo Tuổi Trẻ)

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …