Giá cà phê sàn London hồi phục một cách khó khăn trước sức kéo giảm của sàn New York…
Biểu đồ Robusta London T7/2022 phiên ngày 24/05/2022
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 2 USD, lên 2.043 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 2 USD, lên 2.045 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 2,10 cent, xuống 213,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 2,00 cent, còn 213,95 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 0 – 100 đồng, lên dao dộng trong khung 39.600 – 40.200 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn kết thúc trái chiều trong một phiên tuy có sự hỗ trợ của USDX tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp 4 tuần nhưng giá cả hàng hóa nói chung tiếp tục sụt giảm trước lo ngại lãi suất cơ bản tiền tệ sẽ được nhiều NHTW nâng lên nhằm ngăn ngừa lạm phát vượt mức. Tỷ giá các tiền tệ mới nổi tiếp nối đà tăng khiến sức mua đầu cơ bị chùng lại vì giá cả nhiều loại hàng hóa trở nên đắt đỏ cũng khiến giá cà phê rơi vào thế bất lợi, trong khi áp lực bán hàng cà phê vụ mới từ các nước sản xuất chính vẫn còn nguyên.
Trong Báo cáo Thương mại mới nhất, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2021/2022 ở mức 167,20 triệu bao, thấp hơn 2,10% so với niên vụ trước. ICO cũng giữ nguyên dự báo về tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ này ở mức 170,30 triệu bao, tăng 3,30% so với niên vụ trước. Do đó, toàn cầu sẽ thiếu hụt 3,1 triệu bao.
Trong khi đó, Rabobank dự kiến thị trường cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2022/2023 sẽ trở lại dư thừa 1,7 triệu bao so với mức thiếu hụt 5,1 triệu bao trong niên vụ 2022/2022.
Rabobank kỳ vọng sản lượng cà phê Brasil trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng 14% lên ở mức 64,5 triệu bao. Ngoài ra, cuộc chiến ở Ukraina và việc Trung Quốc đóng cửa vì Covid được cho là sẽ kìm hãm nhu cầu cà phê toàn cầu.
Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Indonesia trong niên vụ cà phê hiện tại (từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2022) sẽ đạt tổng thể 11.350.000 bao, tăng hơn 7,28% so với niên vụ trước, bao gồm 10.000.000 bao cà phê Robusta và 1.350.000 bao cà phê Arabica.
Dự kiến Indonesia sẽ xuất khẩu 6.500.000 triệu bao cà phê hạt chủ yếu là Robusta, tăng 181.000 bao, tức tăng 2,86% so với xuất khẩu của niên vụ trước và họ sẽ tiếp tục duy trì là quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ nội địa cao nhất thế giới.
Anh Văn(giacaphe.com)