Giá sầu riêng nghịch vụ liên tục tăng nóng và gần chạm mốc 200.000 đồng/kg. Sầu riêng tăng giá mạnh khiến nông dân rất phấn khởi nhưng khi sầu riêng tăng giá “nóng” đã xảy ra hiện tượng thu hoạch sớm làm kém chất lượng gây khó cho doanh nghiệp.
Mặc dù trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc được xem là thành công lớn, nhưng thành tựu lớn nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2022 là đã hoàn thành Nghị Định Thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Doanh nghiệp muốn có giá sàn để làm mức giá tham chiếu
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Ban Mê) – doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, đặc biệt là trái sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp hoàn thành các mã số đóng gói, mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn, vì Trung Quốc là một thị trường tiềm năng lớn đối với trái sầu riêng Việt Nam.
Sầu riêng nhanh chóng trở thành một sản phẩm nông sản chủ lực, mang lại lợi nhuận rất cao cho người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu sầu riêng. Tuy nhiên, trước những thuận lợi như thế thì vẫn còn vài khó khăn tương đối lớn phải đối mặt trong năm 2023 khi mà Việt Nam tăng cường xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Bà Thái Thanh cho biết thêm, từ năm 2020, 2021 cụ thể là năm 2022 công ty Ban Mê Green Farm đã thu mua chế biến được 2.000 tấn sầu riêng xuất khẩu đi các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu, và công ty cũng đã có khách hàng ở Trung Quốc đặt mua sầu riêng từ 6.000 – 7.000 tấn. Song, với tình hình giá sầu riêng tăng đột biến như hiện nay khiến Ban Mê Green Farm rất lo lắng và hoang mang.
“Hoang mang vì chúng tôi không biết căn cứ vào mức giá nào để định giá với người nông dân, vì trong hợp đồng ‘chúng tôi sẽ định giá thu mua theo giá xuất khẩu chính ngạch tại thời điểm đó’, thì mức giá đó sẽ được căn cứ từ đâu, ở đâu và như thế nào để chúng tôi thỏa thuận được giá thu mua, giúp cho người nông dân và doanh nghiệp làm việc với nhau được dễ dàng hơn.
Và khi xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài không có một đối tác nào của chúng ta thích câu chuyện ngày hôm nay giá này, ngày mai giá khác, và bản thân tôi khi xuất khẩu ớt đi thị trường Nhật Bản, châu Âu, chúng tôi chỉ ký “chết” một giá trong một năm, và chúng tôi liên kết bao tiêu ớt với nông dân cũng một giá đó. Với cách làm này người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và thương nhân ở thị trường nước ngoài đều có lời. Đó là điều tôi mong muốn”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm tâm tư.
Theo bà Thái Thanh không chỉ công ty Ban Mê Green Farm mà hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đều mong muốn các đơn vị chức năng, bằng cách nào đó quy định được mức “giá sàn” sầu riêng để các bên liên quan sử dụng làm mức giá tham khảo, và doanh nghiệp có mức giá tham chiếu trong những thời điểm khác nhau. Từ đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ để thương thảo ấn định giá mua với nông dân và đàm phán giá xuất khẩu với đối tác được thuận lợi hơn trong quá trình giao thương.
Đừng để lợi thế trở thành bất lợi
Nhìn chung xuất khẩu nông sản trong đó có sầu riêng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất là giá cả thu mua nông sản. Chính vì giá cả ở thị trường trong nước khá bấp bênh lên xuống không ổn định đã gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho thị trường và có thể làm lũng đoạn thị trường.
“Khi giá sầu riêng trên thị trường tăng nóng đã xuất hiện tình trạng nông dân hái trái non, trái chưa đủ tuổi chưa đạt chất lượng đem bán ra để được lợi nhuận cao. Đây là điều rất cấm kỵ trong kinh doanh và khiến chúng tôi – những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng rất trăn trở, vì với cách làm ăn này trong tương lai rất có thể sẽ làm mất hình ảnh sản phẩm trái sầu riêng nổi tiếng thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm nói.
Sau khi Việt Nam ký xong Nghị Định Thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thì Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nước ngoài, những nước có trồng và xuất khẩu sầu riêng như Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Philippines đánh giá: “Với lợi thế về địa lý đã ‘đặt’ Việt Nam ngồi trước một cổng chợ rất lớn – Trung Quốc nên có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu sầu riêng, và trái sầu riêng đã trở thành nông sản chủ lực mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân và doanh nghiệp”.
Để khai thác tốt lợi thế này Việt Nam không chỉ phải ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm sầu riêng mà còn phải bình ổn giá cả. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nông dân không thể làm được việc này mà cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và chính phủ nhanh chóng có biện pháp để cho mùa vụ sầu riêng năm 2023 của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả.
Hiện nay diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam đang tăng đột biến và trong hai năm gần đây mỗi năm tăng khoảng 10% – 15% diện tích trồng sầu riêng mới.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, với mức tăng này thì thị trường vẫn ‘tải’ hết chứ không có gì phải lo, người lo lắng nhất đối với việc diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam tăng là Thái Lan – nước xuất khẩu sầu riêng chủ lực tại thị trường Trung Quốc, nhưng xét về chất lượng độ thơm ngon, béo … thì sầu riêng Thái Lan không thể sánh kịp sầu riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro khi thị trường tiêu thụ chính sầu riêng Việt Nam vẫn là Trung Quốc với những yêu cầu khắt khe qua đường xuất khẩu chính ngạch, vì hiện nay những vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc còn quá ít, và việc tăng thêm vùng trồng này phụ thuộc nhiều vào phía nước bạn. Để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi bước đi chủ động cần làm sớm bây giờ là tăng được số lượng mã số vùng trồng và được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.