Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Nguyên nhân là bởi sản phẩm chất lượng tốt, giá bán hợp lý thì mức chiết khấu thấp còn các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả mức chiết khấu cao bởi giá thành rất thấp; do đó, không ít đại lý sẵn sàng tiếp tay cho các đối tượng sản xuất phân bón giả.
Theo đại diện cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, đơn vị này đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhưng do lực lượng chuyên ngành còn thiếu, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan không thường xuyên nên việc kiểm soát phân bón kém chất lượng trên thị trường gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, muốn xác định phân bón kém chất lượng thì việc lấy mẫu kiểm định rất quan trọng.
Ông Trương Văn Nhương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đắk lắk cho biết:
“Chúng tôi phải phối hợp với Sở NN&PTNT trên địa bàn là đơn vị có chức năng lấy mẫu, chúng tôi không có chủ động được. Thứ 2 đoàn kiểm tra liên ngành 389 hiện nay trình tự hành lang pháp lý cho đoàn hoạt động chưa có văn bản nào quy định, do vậy, rủi ro pháp lý rất cao
Theo ông Nhương, công tác quản lý, kiểm soát thị trường phân bón còn gặp khó khăn, hạn chế còn do chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng tồn tại vi phạm còn nhiều.
Hơn nữa, do thói quen mua hàng không lấy hóa đơn của người dân nên khi phát hiện mua phải phân bón kém chất lượng, các cơ quan chức năng cũng không biết căn cứ vào đâu để xử lý.