Sáng 27/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Thạm dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Giám đốc Sở Y tế Nay Phila cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh chụp qua màn hình)
Sau gần 3 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên trên thế giới với hơn 594,4 triệu ca mắc, trên 6,4 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Tính đến ngày 11/9/2022, cả nước ghi nhận hơn 11,4 triệu ca mắc, trong đó có hơn 10,3 triệu người khỏi bệnh, 43.129 ca tử vong.
Nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe của Nhân dân, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, qua đó góp phần quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong áp dụng linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế, tài chính, chế độ chính sách và các nguồn lực khác cho phòng, chống dịch. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phương châm “Chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Các biện pháp chống dịch được đưa ra kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản đúng hướng kịp thời và hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống dịch thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát với thực tiễn, chậm ban hành; một số biện pháp phòng chống dịch còn chưa sát với thực tiễn từng vùng, từng địa bàn, chưa tính hết nhu cầu của người dân và khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền; hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát; công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời đảm bảo…
Tại cuộc họp, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận, cho ý kiến kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trong đó tập trung vào các vấn đề như: đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu và thực hiện thống nhất; xem xét hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2; tăng cường các giải pháp nhằm không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch; khẩn trương hoàn thiện các hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin trong quá trình phòng, chống dịch để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến KT-XH ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân trên hết, trước hết. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó có quy định về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần “Tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”.
Qua các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc về thể chế, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; cần làm rõ quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh tại các địa phương. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới…