Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 26/9, tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh chủ trì tại đểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh chụp màn hình)

Theo báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng). Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng. Đến ngày 23/9, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,7% kế hoạch).

Tính đến 30/9/2022, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so cùng kỳ năm 2021 (đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%. Cả nước có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch như: Quảng Ngãi (112,7%), Hưng Yên (89,3%), Thái Bình (83,6%), Quảng Ninh (78%), Ninh Bình (77,6%)…; 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước và tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại các địa phương. Đến ngày 23/9, có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó có 29 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao, 10 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch; 5 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk

Hội nghị tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và những bài học kinh nghiệm của một số bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao.

Đắk Lắk là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, dưới mức trung bình chung của cả nước (cả nước 34,4%; tỉnh 26%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (29,5%), tính đến ngày 13/9/2022, tỉnh đã giải ngân 85,403/614,586 tỷ đồng, đạt 13,9% kế hoạch nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý của năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022; giải ngân được 910,016/3.510,842 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch nguồn vốn đầu tư công năm 2022. Năm 2022, tỉnh bố trí mở mới cho 20 dự án/tổng vốn 951 tỷ đồng (chiếm 83% KH năm vốn ngân sách Trung ương), đến ngày 13/9/2022 chỉ mới giải ngân 29,9/951 tỷ đồng, đạt 3,1%.

Advertisement

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh chụp từ màn hình)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022”. Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải dành thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có trọng tâm, trọng điểm và trên tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Một số giải pháp cần tập trung thực hiện là: tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng; thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các dự án; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025…

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4 (bão Noru – Cơn bão có cường độ rất mạnh, sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, tốc độ di chuyển nhanh, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên), triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương. Trước tiên, kêu gọi ngư dân, tàu thuyền không ra khơi đánh bắt hải sản mà vào nơi tránh trú an toàn; kêu gọi người dân gia cố lòng bè nuôi trồng thủy sản, rời khỏi lòng bè trước khi bão đổ bộ; kiểm tra hồ đập, gia cố vững chắc; cảnh báo, di dời người dân khỏi các khu vực có thể xảy ra sạt lở…

Advertisement

About admin

Check Also

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh

UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ cho ông …