Sáng 11/10, Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức Hội thảo chính sách đất đai trong nông nghiệp- góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tham dự Hội thảo có TS. Chu Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Hương – Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk; ông Nguyễn Mạnh Quang – Phó Ban Dân tộc, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông; các chuyên gia, nhà khoa học, Sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận tập trung chủ đề gồm: Những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 18-Dự thảo Luật đất đai sửa đổi; Một số ý kiến đóng góp các quy định về giao đất cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong dự thảo Luật đất đai; Phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất –Tồn tại và định hướng hoàn thiện; Tích tụ tập trung đất đai tại Tây Nguyên –Thực trạng và đề xuất chính sách; các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và vấn đề quy định tội phạm trong Luật đất đai.
TS. Chu Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi. Trong đó, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ rõ nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư cũng như gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi chính sách pháp luật về đất đai.
Trong xu thế hội nhập kinh tế, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách đất đai của Đảng và nhà nước, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai.
Các giảng viên, chuyên gia chủ trì phiên thảo luận Luật đất đai sửa đổi
Đa số ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, các vấn đề trọng tâm cần góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi phải bám sát tinh thần quan điểm Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; cấu trúc dự thảo luật phải điều chỉnh đảm bảo tính logic. Cơ quan soạn thảo cần tập trung đánh giá lại thực trạng tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng để đề xuất giải pháp theo hướng hiện đại, bền vững.
Bên cạnh đó, một số vấn đề cần lưu ý trong dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi là quy định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo vệ quyền đất đai cho nhóm yếu thế; tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung cho đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao; bổ sung đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, đất rừng tín ngưỡng…
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trường Đại học Luật Hà Nội trao đổi về những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 18-NQ/TW
Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thu những bài học kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của các cán bộ hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật đất đai, các chuyên gia nghiên cứu về đất đai vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi góp phần đảm bảo hiệu quả sau khi luật ban hành, đáp ứng yêu cầu quản lý đất trong giai đoạn mới.