Sáng 21/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS).
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; PGS.TS Đặng Thị Ánh Tuyết- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Duy Thụy –Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên; lãnh đạo Sở, ngành địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; nghe chuyên gia Tư vấn giải pháp cải thiện sự hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính công; Giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Đắk Lắk; nghe tham luận của đơn vị, tổ chức về giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2022-2025, Tỉnh ủy Đắk Lắk xác định cải cách hành chính là khâu đột phá. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quan tâm dành nhiều nguồn lực để triển khai. Từ năm 2016 đến 2021, Chỉ số CCHC (PAR Index) của tỉnh tăng giảm không ổn định; trong 3 năm (từ 2019 – 2021), chỉ số CCHC của tỉnh cải thiện 18 bậc. Đây là kết quả cho những nỗ lực bứt phá của địa phương trong nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm CCHC nhà nước. Tuy nhiên, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vẫn nằm trong nhóm cuối xếp thứ 59/63 tỉnh/thành. Làm thế nào để người dân hài lòng hơn đối với sự phục vụ của chính quyền đang là mục tiêu hướng đến để tỉnh tiếp tục cải thiện.
Đồng chí Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ khuyến nghị giải pháp cải thiện Chỉ số SIPAS
Hội thảo lần này sẽ tiếp tục đánh giá lại thực trạng, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, trên cơ sở đó đưa ra các ý kiến, đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới để giúp tỉnh nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế, tỉnh Đắk Lắk mong muốn nhận được quan điểm góp ý, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà khoa học, các nhà quản lý để làm căn cứ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
PGS.TS Đặng Thị Ánh Tuyết- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ về một số nội dung tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm cải thiện trong thời gian tới, ông Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính- Bộ Nội vụ cho rằng, việc đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính tập trung 5 khía cạnh gồm: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ; tiếp nhận xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị của người dân tổ chức.
Đồng chí Bạch Văn Mạnh- Giám đốc Sở Nội vụ điều hành phần thảo luận
Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung cải thiện một số tồn tại như: Chỉ số nhận định, đánh giá về hình thức tiếp cận thông tin về quy định TTHC; Chỉ số đánh giá về số lần đi lại thực hiện dịch vụ; Chỉ số nhận định về công chức gây phiền hà, sách nhiễu; Chỉ số nhận định về người dân tổ chức phải đưa tiền ngoài lệ phí; Chỉ số nhận định đánh giá về việc cơ quan viết giấy hẹn trả kết quả; Chỉ số nhận định cơ quan trả kêt quả đúng hẹn; Chỉ số nhận định cơ quan thông báo về sự trễ hẹn trả kết quả; xin lỗi vì trễ hẹn trả kết quả; chỉ số mong đợi nhiều nhất của người dân tổ chức.
Đồng chí Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ giải pháp tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp
Về lâu dài, ông Phạm Minh Hùng Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính- Bộ Nội vụ khuyến nghị, trên cơ sở kết quả công bố chỉ số hài lòng, chỉ số nhận định, đánh giá của Bộ Nội vụ hằng năm, tỉnh cần xác định nguyên nhân tồn tại, phân công thống nhất giải pháp khắc phục, trách nhiệm thực hiện. Cần khắc phục, xử lý nghiêm, dứt khoát những tồn tại kéo dài qua nhiều năm. Giải pháp khắc phục cần phải được xác định dựa trên nguyên nhân; cần phải đưa ra các kết quả, sản phẩm, mức độ chất lượng cần đạt được, lộ trình thực hiện, thời điểm bắt đầu thực hiện và thời điểm đạt kết quả, tác động), trách nhiệm thực hiện, hình thức khen thưởng, kỷ luật một cách rõ ràng, cụ thể, khả thi tránh hình thức.
Bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đắk Lắk cần đặt mục tiêu và hành động cụ thể để trở thành nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu suất, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm phục vụ và có những điểm mạnh riêng để làm động lực, niềm tự hào cho người dân của tỉnh.
Các cơ chế, chính sách, chương trình, hành động, dịch vụ công… của chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước luôn phải đặt người dân làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân, vì lợi ích của người dântrên cơ sở đảm bảo phù hợp với điều kiện xã hội của tỉnh và đặc thù phong tục, tập quán của người dân trong tỉnh. Để người dân đồng hành cùng chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, cần phải công khai minh bạch thông tin cho người dân và có trách nhiệm giải trình đối với người dân.
Sự hài lòng của người dân tổ chức là một tình trạng cảm xúc, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: Nhu cầu cá nhân, nhận thức, hiểu biết, quan điểm, định kiến, kinh nghiệm thực tiễn, thông tin xung quanh… Do vậy, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp từng nhóm đối tượng một cách kiên trì để có thể mang lại sự hài lòng cho người dân tổ chức- ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh.