Sáng 30/11, Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn voi cứu hộ động vật, quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk và Tổ chức AAF tổ chức Hội thảo kỹ thuật chuyên đề quản lý voi nuôi nhốt.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội nghị có ông Đoàn Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng phòng hộ – Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện chủ nuôi là hộ gia đình, cộng đồng và thành viên nhóm chuyên gia về voi Châu Á của (IUCN).
Trong 2 ngày, Hội thảo sẽ tập trung nghe và thảo luận các chuyên đề gồm: Nỗ lực của Việt Nam trong quá trình quản lý voi nuôi nhốt trong 10 năm qua; công tác quản lý voi nuôi nhốt tại Đắk Lắk qua 10 năm; cơ hội và thách thức đối với công tác quản lý và bảo tồn voi nuôi nhốt.
Ông Đoàn Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng phòng hộ – Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam
Phía tổ chức AFF cũng sẽ chia sẻ về các giải pháp về công nghệ và kỹ thuật đã áp dụng hướng tới tăng cường phúc lợi cho voi nuôi nhốt và đề xuất các giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh. Các yếu tố cần cải thiện việc quản lý voi nuôi nhốt ở Việt Nam. Kế hoạch hành động quốc gia (VECAP) theo hướng của IUCN; xây dựng mục tiêu tầm nhìn VECAP cho việc quản lý voi nuôi nhốt đến năm 2050 và thảo luận nhóm.
Chuyên gia chia sẻ kết quả nỗ lực của Việt Nam trong quá trình quản lý voi nuôi nhốt trong 10 năm qua
Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật, quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 37 con voi nhà, 80 – 100 con voi hoang dã. Số lượng cá thể voi hiện nay giảm 90% so với năm 1980.
Kết quả từ năm 2013-2022, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hình thành cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe voi nhà. Đàn voi nhà luôn được theo dõi về sức khỏe, chăm sóc, điều trị kịp thời, khỏi bệnh. Các cá thể voi nhà đã sinh sản sau nhiều năm, mặc dù không thành công nhưng là cơ sở khoa học để xây dựng những giải pháp tiếp theo. Các cá thể voi rừng bị thương đều được cứu hộ và chăm sóc, nuôi dưỡng thành công. Phúc lợi cho voi đã được thực hiện tốt hơn bằng việc chuyển dịch dần mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Voi thuộc sở hữu của Trung tâm Bảo tồn voi (05 cá thể), Vườn quốc gia Yok Đôn (03 cá thể) và một vài cá thể voi của tư nhân tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi có phúc lợi tốt hơn các cá thể voi phục vụ du lịch.
Kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức cơ bản đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho voi. Trung tâm đã liên kết với các Trung tâm nước ngoài và trở thành thành viên của nhóm chăm sóc voi ở khu vực và tiếp nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế, hạn chế và ngăn chặn được việc di chuyển voi trái phép ra ngoài tỉnh.
Một số chuyên gia cho rằng, các mối đe dọa hiện nay đàn voi nhà đã lớn tuổi, không sinh sản thành công, nguy cơ tuyệt chủng là rất cao. Thiếu khu chăn thả, nguồn thức ăn, môi trường sống của voi ngày càng thu hẹp. Kinh phí đầu tư còn hạn chế ; Đa số người nuôi voi kinh tế còn nghèo; Chưa kiểm soát hoàn toàn nạn buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ voi
Thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện chính sách voi nhà sinh sản và chính sách chăm sóc sức khỏe cho đàn voi nhà, hàng năm tổ chức khám định kỳ và điều trị kịp thời mỗi khi voi bị bệnh để hạn chế voi chết vì bệnh. Tổ chức cứu hộ các cá thể voi nhà trong và ngoài tỉnh đưa về Trung tâm nuôi dưỡng phục vụ công tác bảo tồn. Xây dựng, mở rộng thêm các khu trồng thức ăn, cây thuốc chữa bệnh cho voi cứu hộ và voi nhà ở các khu chăn thả huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.
Trung tâm đề xuất với Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng phê duyệt Dự án bảo tồn voi ở Đắk Lắk để có nguồn kinh phí thực hiện công tác thuẫn dưỡng và bổ sung các cá thể voi cái trẻ làm nguồn giống sinh sản bảo tồn và phát triển bền vững voi thuần dưỡng trong tương lai. Quy hoạch khu chăn thả cho voi thuần dưỡng hoặc liên kết với các chủ rừng tham gia triển khai mô hình Du lịch thân thiện với voi để có khu chăn thả cho voi. Tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật Bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2026 để hổ trợ công tác bảo tồn voi nhà tại tỉnh.
Xây dựng và triển khai mô hình Du lịch thân thiện với voi, giảm dần việc chở khách du lịch tiến tới thay thế việc sử dụng voi trong du lịch truyền thống ”cưỡi voi” sang mô hình du lịch thân thiện với voi để voi được sống trong môi trường tự nhiên phục vụ công tác bảo tồn.