Ngày 21/12, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự – chính trị (Công ước ICCPR) tại tỉnh Đắk Lắk.
Quang cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận góp ý về các nội dung: Tình hình triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; việc bảo đảm quyền dân sự, chính trị của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và một số vấn đề về bảo vệ quyền dân sự, chính trị trong Báo cáo Công ước ICCPR.
Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, góp ý về tình hình thực hiện Công ước ICCPR tại tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các biện pháp trên thực tiễn để bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cho người dân tại Đắk Lắk; Thực trạng triển khai Công ước ICCPR trong lĩnh vực của Bộ Công an và một số ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo báo cáo Công ước ICCPR…
Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp trao đổi một số nội dung về nhân quyền.
Hội thảo này nhằm thu thập các ý kiến, thông tin từ đại diện của các cơ quan Trung ương và địa phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số… để cập nhật, hoàn thiện dự thảo báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ nhất (báo cáo chính thức hoàn thành vào tháng 3/2023).
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của đại biểu, đặc biệt là các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng báo cáo và đại diện các địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông. Hội thảo là cơ hội cho Bộ Tư pháp thu thập ý kiến góp ý từ các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập và đại diện các địa phương để cập nhật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ nhất (báo cáo chính thức hoàn thành vào tháng 3/2023)
Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976, hiện nay có 173 quốc gia là thành viên. Việt Nam trở thành thành viên của Công ước từ năm 1982. Kể từ khi gia nhập đến nay, Việt Nam đã xây dựng, nộp các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017. Việc nộp các báo cáo quốc gia thể hiện thiện chí, nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.