Những năm gần đây, cà phê Robusta chất lượng cao của Việt Nam bắt đầu được thị trường cà phê toàn cầu chú ý nhờ hương vị đặc biệt của nó, nhất là dòng sản phẩm Fine Robusta. Điều này giúp các nhà rang xay thế giới có cái nhìn thiện cảm hơn với Robusta, vốn bị định kiến là loại cà phê thứ cấp.
Định vị giá trị của Robusta
Vào những năm 1980, Việt Nam là nước sản xuất cà phê đứng thứ 42 trên thế giới, phần lớn là Robusta. Với sự tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã giúp Việt Nam vươn lên trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2001.
Mặc dù được tiêu thụ rộng rãi nhưng các nhà rang xay thế giới vẫn xem Robusta chỉ là loại cà phê thứ cấp, có vị thô, chát và “quê mùa”, khác với sự tao nhã và hương thơm tinh tế của Arabica. Chính vì vậy, chất lượng cà phê Việt Nam không được thừa nhận, dẫn đến giá trị và thương hiệu thấp so với các nước khác.
Với sự xuất hiện thị trường tiêu thụ cà phê đặc sản Robusta (Fine Robusta), các nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê ở Việt Nam bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho các farm liên kết để tạo ra dòng sản phẩm Fine Robusta, được người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn. Và Việt Nam cũng xác định mục tiêu rõ ràng là sẽ tập trung cho cà phê Robusta đặc sản chứ không phải Arabica.
Quan trọng hơn, Việt Nam hiện cũng đã có đủ điều kiện để phát triển các dòng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, với các vùng trồng cực kỳ đa dạng từ Đồng Nai trải dài ra đến Sơn La.
Cùng với đó, Việt Nam có nguồn tài nguyên về giống cực kỳ phong phú, đặc biệt giống cà phê Robusta trồng ở Việt Nam có từ Uganda, Congo (Trung Phi) với chất lượng cao, được các nhà khoa học thế giới thừa nhận. Đây chính là tiền đề quan trọng nhất trong phát triển cà phê đặc sản, đó là phải có cái đa dạng, cái mới, cái khác biệt.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đánh giá, đất nước có trên 600 nghìn ha cà phê, hàng năm tiêu dùng và xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn cà phê nhân, hành trình cà phê đặc sản chỉ mới bắt đầu để định vị lại giá trị cho cà phê Robusta.
Mặc dù trên thực tế, chế biến cà phê Fine Robusta khó hơn rất nhiều so với cà phê Arabica, đòi hỏi kỳ công ở tất cả các khâu mới tạo ra được những hương vị đặc sắc.
Chinh phục người tiêu dùng quốc tế
Thị trường cà phê đặc sản ngày càng lớn, với tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm và hiện chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu 220 tỷ USD của ngành cà phê toàn cầu. Quốc tế cũng đã đặt ra các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cho Robusta đặc sản, tuy vậy việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng không phải dễ dàng. Thị trường tiêu dùng nhiều nước khó tính vẫn chưa thừa nhận dòng hàng Fine Robusta.
Để tạo được nền tảng thuận lợi bước vào phân khúc cà phê đặc sản thế giới và dần xóa đi định kiến của những khách hàng khó tính dành cho Robusta, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup được tổ chức hằng năm theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát hiện và tôn vinh những lô cà phê đặc sắc, qua đó kết nối nhà sản xuất với nhà rang xay, người tiêu dùng.
Từ năm 2019 đến 2022, trải qua bốn cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam -Vietnam Amazing Cup, đã có hàng trăm đơn vị tham gia thi với các lô hàng cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản quốc tế.
Những sản phẩm này được giới thiệu, quảng bá, kết nối ở các thị trường lớn trong nước, cũng như tham gia những sự kiện quảng bá cà phê đặc sản trên thế giới (Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc…) đã tạo được sự chú ý của các nhà rang xay, tiêu dùng cà phê của thế giới. Và họ đã thực sự bất ngờ khi thử nếm Fine Robusta với những nốt hương đặc sắc của miền nhiệt đới, vị thanh tao không kém gì Arabica.
Chính điều đó đã thuyết phục được những đối tác khó tính nhập khẩu các lô hàng cà phê đặc sản của Việt Nam. Minh chứng là Công ty Simexco Đắk Lắk đã xuất khẩu thành công gần 20 tấn cà phê đặc sản, trị giá gần 100.000 USD sang thị trường Anh Quốc (năm 2021), một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu, đánh dấu một bước tiến lớn cho cà phê đặc sản Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho hay, cà phê đặc sản Robusta Việt Nam đã chinh phục được thị trường quốc tế và ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới. Đây là thành quả bước đầu của ngành hàng cà phê Đắk Lắk khi tiên phong đặt những viên ngạch đầu tiên cho phân khúc sản phẩm Fine Robusta.
Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ bảo trợ cho những lô hàng cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Nếu đơn vị nào chấp nhận gửi trong kho hàng, thì sau khi Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2023 kết thúc, công ty sẽ tổ chức đấu giá và kết nối với các đối tác nước ngoài để thương mại sản phẩm.