Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ, xử lý các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, buôn bán phân bón giả.
Mặc dù vậy, phân bón giả vẫn xuất hiện trên thị trường, gây thiệt hại cho người nông dân và ngành Nông nghiệp. Do đó, cần có giải pháp xử lý hiệu quả, để có thể triệt tiêu tận gốc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả.
“Bát nháo” chất lượng vật tư nông nghiệp
Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 25/08/2023 đưa tin: Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh vừa kiểm tra, phát hiện đại lý kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, có trường hợp sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể: Lực lượng chức năng kiểm tra Đại lý vật tư nông nghiệp của ông Nguyễn Phúc Thành (địa chỉ tại ấp Tân Dũng, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, Tây Ninh) phát hiện có hành vi buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (phân bón kém chất lượng) với tổng giá trị hàng hóa là 22 triệu đồng.
Theo đó, lực lượng chức năng đã xử phạt đại lý vật tư nông nghiệp Nguyễn Phúc Thành 7,5 triệu đồng về hành vi: Buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (kém chất lượng). Phạt thêm hơn 27 triệu đồng về hành vi: Tiêu thụ hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổng số tiền Đại lý vật tư nông nghiệp Nguyễn Phúc Thành phải nộp vào ngân sách nhà nước là 35 triệu đồng.
Trước đó, ngày 09/08/2023, Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra cửa hàng Tuyết Nhung (địa chỉ tại TDP4, phường Nguyễn Nghiêm, TX Đức Phổ). Tại đây, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm định chất lượng đối với phân bón NPK 20-20-15 do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Bình Minh (trụ sở tại 45/39, đường số 10, KP3, phường Tân Quy, quận 7, TP HCM) cung ứng.
Qua kết quả phân tích, sản phẩm trên có hàm lượng Nitơ không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng (mẫu sản phẩm có hàm lượng Nitơ chỉ đạt 86% so với quy chuẩn). Với hành vi vi phạm này, hộ kinh doanh Tuyết Nhung bị phạt về 2 hành vi vi phạm là “Buôn bán 550kg phân bón NPK 20-20-15 có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón và hành vi tiêu thụ hàng hóa vi phạm với trị giá gần 3 triệu đồng”.
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả nói chung, phân bón nói riêng gây rất nhiều bức xúc trong dân. Nhiều ý kiến lên án và cho rằng hành vi vi phạm này phải xử lý hình sự, chứ phạt hành chính vài chục triệu đồng không đủ sức răn đe. Theo quan điểm của bạn đọc Huỳnh Trung được Báo Thanh Niên dẫn lời ngày 01/02/2023: “Cá nhân tôi thấy cần bỏ tù với những ai có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả. Nó tạo ra siêu lợi nhuận, nhưng thiệt hại cho người dân không hề nhỏ. Nếu phạt tiền ở mức như hiện nay thì chẳng ăn thua gì, làm sao răn đe được”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Mạnh Nguyễn viết: “Đây là một dạng lừa đảo mà bà con phải lưu tâm. Thị trường bây giờ vì lợi nhuận mà nhiều người bất chấp sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi. Ăn tiền trên mồ hôi công sức của người dân cực khổ thì có vui không? Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, thậm chí là bỏ tù để họ biết sợ là gì”.
Nhiều khó khăn trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37/2023, phát hành ngày 11/09, dẫn lời của ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông cho rằng, phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.
Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
“Điều này dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra, rất khó chấm dứt”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng chỉ ra rằng, hiện nay, trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể, mà nằm ở nhiều văn bản, dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ…
Trước đó, ngày 08/02/2023, VTV News dẫn lời ông Trương Văn Nhương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn là đơn vị có chức năng lấy mẫu, chúng tôi không chủ động được. Thứ 2, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 hiện nay trình tự, hành lang pháp lý cho đoàn hoạt động chưa có văn bản nào quy định, do vậy, rủi ro pháp lý rất cao”.
Theo ông Nhương, công tác quản lý, kiểm soát thị trường phân bón còn gặp khó khăn, hạn chế do chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng tồn tại vi phạm còn nhiều. Hơn nữa, do thói quen mua hàng không lấy hóa đơn của người dân nên khi phát hiện mua phải phân bón kém chất lượng, cơ quan chức năng cũng không biết căn cứ vào đâu để xử lý.
Cần xử lý tận gốc
Để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành Nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành.
Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó, các ban ngành hữu quan cần có giải pháp xử lý hiệu quả, để có thể triệt tiêu tận gốc hành vi vi phạm. Cần có chính sách điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.