Ngày 4/1, Sở Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng lãnh đạo, các phòng ban, đơn vị trực thuộc ngành công thương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Năm 2021, tình hình kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng ngành công thương đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.956 tỷ đồng, tương đương 107,8 % kế hoạch năm 2021, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp tăng trưởng khá so với năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng gần 9%, sản xuất, phân phối điện, nước ước tăng 44,3%, riêng ngành khai khoáng giảm 17,7%.
Năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.873 tỷ đồng, tương đương 100,3 % kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 1.136 triệu USD, đạt 174,8% kế hoạch, tăng 0,2 %; nhập khẩu 450 triệu USD, đạt 500 % kế hoạch năm, tăng 80%.
Theo đánh giá của các đại biểu, ngành công thương vẫn còn một số hạn chế, trong đó, các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu; sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh là các mặt hàng nông sản, giá cả thất thường; thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại chưa đáp ứng nhu cầu.
Năm 2022, ngành công thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 12% so với năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 90.500 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm 2021), kim ngạch xuất khẩu 1.200 triệu USD (tăng 5,6%), nhập khẩu 95 triệu USD (giảm 78,9%).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, thời gian tới, ngành công thương cần theo dõi sát tình hình hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp; tăng cường kết nối với các tỉnh, thành để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, trong đó, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thô, tăng sản lượng sản phẩm tinh chế.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành công thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính để cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.