Gần 1 năm qua, sầu riêng được mùa, được giá, nên nông dân ở Đắk Lắk đã chặt bỏ cây cà phê, tiêu… để chuyển đổi cây trồng. Việc trồng vội vàng, làm một cách ồ ạt rất dễ gây ra nhiều hệ lụy nhãn tiền.
Đổ xô đi trồng sầu riêng
Anh Triệu Văn Trung (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) tâm sự: “Hiện, giá sầu riêng tốt hơn cà phê, tiêu… rất nhiều nhưng công đầu tư, thu hái rất nhanh. Trồng cây cà phê thì phải đầu tư nhiều, chờ lâu, trải qua nhiều công đoạn chăm sóc. Nếu trừ chi phí ra, chúng tôi trồng sầu riêng lãi hơn, chứ cà phê làm rất vất vả và giá lại biến động thất thường.
Ở khu vực tôi sinh sống, trước đây bà con chỉ tập trung trồng cà phê, tiêu, điều… nhưng ít tháng qua, họ đã chặt bỏ đi để trồng sầu riêng nhằm thu lãi cao”.
Đơn cử một khu vực khác là xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar khoảng 1 năm qua, người nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi hơn 100 ha cây ăn quả các loại sang trồng sầu riêng. Việc chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, khiến cơ quan chức năng không kịp trở tay, nhắc nhở bà con những hệ lụy nhãn tiền có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Duy Phương (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) – chia sẻ: “Trước đây, gia đình trồng cà phê và một số loại cây ăn trái… nhưng thu nhập không ổn định. Thấy bà con xung quanh trồng sầu riêng thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng mỗi năm nên tôi đã phá bỏ vườn cà phê để trồng loại cây này. Dù lo ngại trong tương lai sẽ rơi vào cảnh cung vượt cầu… nhưng tôi vẫn quyết định trồng sầu riêng.
Tuy nhiên, dù đã quyết định đặt cược vào sầu riêng nhưng tôi cũng có chung tâm lý lo ngại vì hiện tại số lượng vườn trồng sầu riêng tại tỉnh quá nhiều. Một khi cung vượt quá cầu thì đương nhiên là giá xuống thấp, thậm chí không có thương lái về thu mua hoặc nếu có cũng bị ép giá”.
Ông Lê Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk – cho hay, có một điều đáng lo ngại là chưa có tổ chức nào đứng ra cam kết cho người dân về đầu ra, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo mức giá thu mua ổn định. Lúc sầu riêng lên giá, bà đổ xô trồng nhiều, xuống giá thì chặt bỏ chuyển đổi sang cây khác. Trong khi đó, địa phương thì vẫn chưa định hướng được quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng, cụ thể.
Rủi ro rất lớn
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk:Theo Đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000 ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng của cả nước đã lên 110.000 ha.
Đắk Lắk hiện nay đã có hơn 20.000 ha sầu riêng và là một trong số những địa phương có diện tích lớn nhất cả nước nhưng phần diện tích cho thu hoạch mới đạt khoảng 40%.
Riêng tại Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng hàng năm lên tới 150.000 tấn và dự kiến sẽ là 300.000 tấn vào năm 2030. Hiện, về sản lượng và diện tích trồng sầu riêng đều vượt quy hoạch chung của ngành nông nghiệp tỉnh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk – cho rằng: Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn xây dựng các vùng trồng, có chứng nhận, có mã vùng trồng sầu riêng. Đây là nền tảng để xuất khẩu chính ngạch cây sầu riêng đến các quốc gia khác, trong đó Trung Quốc được xem như là một thị trường đầy tiềm năng.
Nông dân khi muốn trồng mới sầu riêng thì xác định vùng trồng, tránh chạy theo thị trường. Nếu bà con trồng ồ ạt sẽ dẫn đến cung vượt cầu, kéo theo nhiều hệ lụy đến môi trường lẫn chất lượng nông sản. Vấn đề giống cũng cần được quan tâm để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Ngoài ra, bà con phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng và chăm sóc sầu riêng thì mới mong thu được lợi nhuận bền vững từ cây nông sản này. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc rải vụ sầu riêng để tránh tập trung vào một thời điểm, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Xem thêm: