Phong trào trồng chanh dây đang lan rộng ở Gia Lai, trong khi chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững loại cây trồng này.
Xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) là một trong những địa phương có khí hậu, thổ những rất phù hợp trồng chanh dây nên năng suất cao, chất lượng tốt. Chính vì vậy, diện tích trồng chanh dây tại địa phương này ngày càng tăng mạnh trong những năm qua.
Ông Hoàng Văn Hòa (thôn Ia Sik, xã Ia Nhin) cho biết, vườn cà phê của gia đình trồng từ năm 1998 nên đã già cỗi, năng suất thấp, cần phải phá bỏ để thực hiện tái canh. Tuy nhiên, trước khi tái canh cà phê, phải mất hơn 1 năm thực hiện cải tạo đất bằng cách trồng những cây ngắn ngày. Sau đó, thấy phong trào trồng chanh dây ngày càng nhiều, giá cũng cao nên gia đình quyết định đầu tư trồng.
Năm ngoái, gia đình trồng 2 sào chanh dây cho thu hoạch hơn 4 tấn/sào, giá thời điểm bấy giờ gần 20.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Tuy nhiên, do năm nay chanh dây bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất giảm, doanh thu từ 3 sào chỉ khoảng 60 – 70 triệu đồng.
Ông Phạm Bá Năm, Chủ tịch UBND xã Ia Nhin cũng thừa nhận, trên địa bàn người dân đang đổ xô trồng chanh dây ở mức báo động. Ông Năm cho biết, hàng tháng họp giao ban, ông cũng đã yêu cầu các thôn trưởng định hướng, tuyên truyền người dân phải thận trọng với việc ồ ạt tăng diện tích trồng chanh dây. Trong đó, lo ngại nhật là vấn đề cung – cầu bị phá vỡ.
“Chanh dây đang cho lợi nhuận cao, chỉ cần làm 5 sào là đã cho doanh thu cao hơn trồng 2ha cà phê nên người dân ồ ạt trồng. Biết rằng, các hộ dân chủ yếu phá bỏ cà phê già cỗi để trồng chanh dây, với ý định 1 – 2 năm sau sẽ quay lại tái canh cà phê. Tuy nhiên, cây chanh dây chưa thực sự bền vững nên chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng thuần mà chỉ nên trồng xen canh với các loại cây khác”, ông Năm chia sẻ.
Được biết, những năm 2016 – 2017, phong trào trồng chanh dây đã từng bùng phát tại Gia Lai, khi đó giá chanh dây trên thị trường không ít lần biến động tăng giảm, thậm chí có lúc rớt thảm, khiến nông dân thua lỗ nặng. Còn tại thời điểm này, khi giá chanh dây đang ổn định, người dân ồ ạt trồng mới mà không hề tính đến đầu ra sản phẩm có bền vững lâu dài hay không.
Đó là chưa kể việc phát triển ồ ạt cây chanh dây nếu không đi kèm với các giải pháp quản lý chất lượng cây giống, phòng trừ sâu bệnh hại một cách căn cơ, bài bản thì rất dễ bùng phát sâu bệnh, bởi đây là cây trồng rất dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm, dễ có nguy cơ bị “xóa sổ”.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ – Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho biết, trào lưu phá bỏ cà phê trồng chanh dây trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và những vùng lân cận đang ở mức báo động. Không chỉ những vườn cà phê già cỗi mà cả những vườn cà phê chỉ mới vài năm tuổi cũng bị phá bỏ không thương tiếc.
“Cứ thử nghĩ, 1kg chanh dây lợi nhuận bằng 2kg cà phê, như vậy bảo sao người dân không đổ xô chặt phá cà phê để trồng chanh dây. Điều đáng nói, vấn đề này đã bùng phát nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thấy có động thái can thiệp kịp thời”, ông Thanh khuyến cáo.
Ông Thanh cũng cho biết, trồng chanh dây cũng tốt, nhưng phải tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp để đảm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Còn hiện tại, diện tích tăng quá nhiều, dẫn đến sản lượng quá lớn, trong khi công suất của các nhà máy tiêu thụ không đáp ứng hết sản lượng thu mua cho người dân. Khi đó, giá chanh dây sẽ xuống thấp, người dân lại thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết, việc người dân phát triển diện tích trồng chanh dây được các địa phương khuyến cáo không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích. Vì hiện nay, việc sản xuất của người dân còn thiếu gắn kết chặt chẽ với cơ sở chế biến.
Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, trồng xen cùng các loại cây khác hoặc tận dụng diện tích tái canh cây cà phê để trồng, do vậy chưa hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn theo hướng bền vững.
Liên kết sản xuất để giảm rủi ro
Gia Lai hiện có khoảng 4.500ha chanh dây, với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha. Đặc biệt, từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Tuy nhiên, trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp nhiều thánh thức khi diện tích tăng ồ ạt, cùng với chất lượng cây giống chưa được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc quản lý dịch bệnh trên chanh dây chưa được cải thiện, nhiều hộ dân sản xuất theo quy trình canh tác còn thiếu bền vững.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp huyện hiện nay là quy hoạch vùng, phát triển vùng để hình thành các tổ chức liên kết trong nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết với người dân để đưa quả chanh dây xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, huyện cũng đang tiến hành rà soát những diện tích trồng chanh dây lớn, trồng tập trung để xem xét hỗ trợ người dân trong việc cấp mã số vùng trồng.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đang nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, sẽ phát triển diện tích chanh dây lên khoảng 25 ngàn ha. So với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Chẳng hạn 1ha cà phê nếu chăm sóc tốt thì cho năng suất khoảng 4 tấn nhân, giá hiện nay 47 – 48 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 100 – 120 triệu đồng. Trong khi đó, 1ha chanh dây cho năng suất khoảng 40 tấn, giá hiện nay 15 ngàn đồng/kg, trừ chí phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng thì người trồng lãi 350 – 400 triệu đồng.
Từ lợi nhuận mà cây chanh dây mang lại, tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn… cho loại cây này phát triển một cách bền vững.
Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây hàng đầu gồm Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Hiện 3 doanh nghiệp này sản xuất trên 200 ngàn tấn sản phẩm/năm và đang có kế hoạch nâng công suất trong những năm tới.
Bước đầu, một số mô hình liên kết giữa nông dân, HTX, tổ sản xuất với các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, xây dựng được chuỗi giá trị đối với sản phẩm chanh dây. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những doanh nghiệp sản xuất giống chanh dây công nghệ cao.
Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh dây còn xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Mỹ La Tinh, Malaysia, Hàn Quốc… nên không đáng lo ngại về việc phụ thuộc vào thị trường. Thậm chí, trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp vào Gia Lai để đầu tư xây dựng nhà máy chế biên sản phẩm từ chanh dây.
“Nếu cụ thể hóa được diện tích 25 ngàn ha chanh dây vào năm 2025 thì Gia Lai có thể đăng cai Festival đối với loại cây này mà chưa có tỉnh nào làm được, giống như Đắk Lắk đã làm Festival rất tốt với cây cà phê và sầu riêng”, ông Có kỳ vọng.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.
Sản phẩm xuất khẩu đa dạng như chanh dây quả, dịch chanh dây cấp đông, nước ép chanh dây, hoa quả đông lạnh (chuối, xoài, dứa, thanh long, bắp ngọt…). Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Xem thêm: Gia Lai sẽ trở thành thủ phủ chanh dây?