Phân bón giả, kém chất lượng ‘nóng’ trở lại

Theo ghi nhận, hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lại nóng lên khiến người nông dân hoang mang. Đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

>> Gian nan kiểm soát thị trường phân bón

Phân bón giả, kém chất lượng lại hoành hành

Theo lực lượng chức năng, hiện nay các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi. Nhiều sản phẩm giả thường bày bán với số lượng ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, các công ty sản xuất không đóng trên địa bàn tỉnh mà thông qua đại lý để bán sản phẩm. Do đó, khi phát hiện sai phạm, chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, không thể xử lý toàn bộ lô hàng và công ty sản xuất ra.

Đơn cử, vừa qua, từ thông tin cung cấp của Cục QLTT tỉnh Tây Ninh về hàng hóa vi phạm chất lượng lưu thông trên thị trường do một doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh Long An sản xuất, Đội QLTT số 6 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Long An đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp sản xuất phân bón này tại trụ sở trên địa bàn huyện Đức Hòa và phát hiện vi phạm về chất lượng.

 Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn không ngừng gia tăng. Ảnh minh họa Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn không ngừng gia tăng. Ảnh minh họa
Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn không ngừng gia tăng. Ảnh minh họa

Qua làm việc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã thừa nhận loại phân bón vi phạm về chất lượng do Cục QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra là do doanh nghiệp sản xuất, số lượng là 100 bao, loại 50kg/bao. Đây là số lượng phân bón mà doanh nghiệp đã bán cho một hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trị giá hàng hóa vi phạm là 71 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 142 triệu đồng đối với một doanh nghiệp vi phạm về sản xuất phân bón không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã lập biên bản đối với ông T.C.P, chủ hộ kinh doanh P.H (ấp Trà Ngoa, xã Trà Côn, H.Trà Ôn, Vĩnh Long), về hành vi bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (giá trị lô hàng hóa vi phạm 36 triệu đồng); buôn bán phân bón là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (giá trị lô hàng hóa vi phạm 14 triệu đồng). Căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định xử phạt ông P. tổng số tiền 61,5 triệu đồng và buộc thu hồi lô phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

Cũng theo ghi nhận, cuối năm 2022, thị trường phân bón cũng bị nhiễu loạn khi phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành và chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, Sở NN&PTNN tỉnh Khánh Hòa thời điểm cuối năm đã phát hiện lô phân bón giả tại một cơ sở sản xuất kinh doanh. Sau khi ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 6,1 triệu đồng đối với chủ cửa hàng, đơn vị này đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lô phân bón giả này.

Tinh vi hơn là Công ty TNHH Nông nghiệp Ba Trái Dâu (đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6, TP.HCM) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vì “sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”. Qua kiểm tra trước đó, lô hàng 350 tấn phân bón giả có kết quả giám định là phân bón thật để qua mắt cơ quan chức năng.

Phân bón giả, kém chất lượng tung hoành do đâu?

Liên quan tới vấn nạn phân bón giả, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, hệ thống đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp trên khắp cả nước chính là “cửa thông hành” để phân bón giả tràn lan trên thị trường.

Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, NPK là loại phân bón bị làm giả phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Đây là loại phân bón đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hầu hết các loại cây trồng hiện nay. Vì vậy nhu cầu phân bón NPK rất lớn. Các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả không thể bỏ qua mảng kinh doanh siêu lợi nhuận này. NPK là phân bón ba màu. Trong đó, có màu đỏ, nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả lợi dụng đặc điểm nhận biết này, nghiền bột gạch non rồi dùng công nghệ cuốc xẻng, máy trộn, làm giả bao bì của các thương hiệu lớn để cho ra thị trường NPK giả.

Qua quá trình thực địa, ông Ngọc nhận thấy nông dân hiện nay cũng hiểu rất đơn giản. Do tập quán sản xuất nên bà con chỉ chọn mua NPK có 3 màu, nếu không có đủ màu thì không tin. Trong khi bây giờ nhiều nhà máy công nghệ cao sử dụng công nghệ hóa lỏng thì yếu tố ba màu không còn rõ nữa.

Advertisement

Chính vì vậy, từ phía các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính cũng cần phải tăng cường thông tin, truyền thông để tạo cơ chế bảo vệ sản phẩm của mình. Theo ông Ngọc, NPK chính là sản phẩm lõi trong sản xuất nông nghiệp.

Lợi nhuận do sản xuất kinh doanh phân bón giả đem lại quá cao, quá hấp dẫn nên kiểu gì các đối tượng cũng không từ bỏ. Hiện nay, có tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, chỉ truy quét các cơ sở sản xuất phân bón giả là chưa đủ. Để những hàng hoá kém chất lượng này đến được tay bà con nông dân thì các đại lý là một mắt xích rất quan trọng. Họ biết rõ có các loại phân bón làm giả, làm nhái kém chất lượng nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn sẵn sàng tiếp tay.

Trước vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện xuất hiện tràn lan trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng đề nghị các tỉnh, thành phố, khi phát hiện hàng hóa vi phạm về chất lượng thì thông tin đến các địa phương nơi có doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ghi trên nhãn để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả bị cơ quan chức năng phát hiện, mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng hành vi vi phạm này phải xử lý hình sự hoặc có chế tài nặng hơn để đủ sức răn đe.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng. Cần tuyên truyền cho người dân tránh chiêu dụ của các đơn vị sản xuất phân bón giả với giá ưu đãi hay khuyến mại lớn. Nên mua của thương hiệu quen, có uy tín, các sản phẩm có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

>> Giá phân bón liệu có hạ nhiệt trong năm 2023?

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …