Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh:quochoi.vn)
Dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 4, đồng thời cho rằng dự thảo cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng có nhiều nội dung cần phải nghiên cứu, quy định rõ, cụ thể hơn như: mối quan hệ giữa các cấp bệnh viện; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân; chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao…
Đại biểu thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn)
Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cần có quy định cụ thể cho vấn đề này. Bên cạnh đó, gần đây xảy ra một số vụ việc người nhà bệnh nhân, thậm chí cả bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế và có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng; do đó đại biểu đề nghị cần phải có bổ sung thêm vào dự thảo Luật này các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý, chấn chỉnh hiện trạng này.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét thấu đáo việc thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ sống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với y tế công lập, liên doanh, liên kết đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và chính sách liên quan để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp (Ảnh:quochoi.vn)
Ngoài ra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người làm nghề khám, chữa bệnh, bởi ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác; đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn…
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.