Sầu Riêng Đắk Lắk đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng. Khi thị trường Trung Quốc bắt đầu mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho loại trái cây này, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh đã sẵn sàng đón đầu cơ hội gia nhập vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Doanh nghiệp và nông dân liên kết

Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 (sau tỉnh Tiền Giang); sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn và dự kiến sản lượng đến năm 2025 là 300.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thích hợp, các giống sầu riêng được người dân Đắk Lắk trồng nhiều như Ri6, Dona… có giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc thăm vườn sầu riêng gia đình ông Trần Văn Chiến, ở buôn Jung, xã Ea Yông

Gia đình ông Trần Văn Chiến, ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có 4,7 hec ta trồng chuyên canh sầu riêng. Trải qua nhiều khó khăn và kiên trì với giống sầu riêng Dona hơn 18 năm nay, ông cho biết rất vui mừng khi nhận được thông tin Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chiến cũng ý thức được rằng, đây là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho sầu riêng Đắk Lắk khi thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” mà đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Chúng tôi rất mừng vì người nông dân sản xuất ra mong sản phẩm tốt bán được giá cao, tiêu chuẩn VietGap 1 phần trong tiêu chuẩn xuất khẩu. Thứ hai là mã vùng trồng, tất cả yêu cầu này chúng tôi đã làm nhiều năm nay.

Không chỉ nông dân trồng sầu riêng mà những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng cũng đã có sự chủ động nhập cuộc. Điển hình là Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk). Bên cạnh hoàn tất các thủ tục xét công nhận có vùng nguyên liệu và cơ sở đóng gói để đáp ứng các tiêu chuẩn phía nước nhập khẩu đưa ra, công ty đang gấp rút liên kết với các hộ dân, hợp tác xã để triển khai mã số vùng trồng.

Ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho hay: Hiện công ty đã thiết lập được 33 mã số vùng trồng cho hơn 1.000 ha gửi sang Trung Quốc đánh giá từ năm 2021. Năm 2022, công ty tiếp tục liên kết với 20 hợp tác xã trong tỉnh đã thiết lập được 3.000 ha mã số vùng trồng (trong đó hồ sơ hoàn thiện là 2.500 ha ), lộ trình đến hết năm, công ty sẽ thiết lập thêm 5.000 ha. Ngoài ra, công ty có 17 cơ sở đóng gói từ Tiền Giang đến Tây Nguyên.

“Doanh nghiệp chúng tôi đã sẵn sàng mã cơ sở đóng gói và mã vùng trồng. Để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chúng tôi đang chuẩn bị các bước kế tiếp đó là xây dựng thêm 12 cơ sở đóng trái để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Triển khai thêm các mã vùng trồng cho các huyện của Đắk Lắk như Cư Mgar, Krông Búk, Krông Năng…để số lượng nhiều đủ điều kiện đối với cơ sở đóng gói”- ông Lê Minh Tâm nói.

Mở rộng vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi Nghị định thư bắt đầu được xây dựng. Cùng với đó, Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu. Đến nay, Ngành nông nghiệp đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500 ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở NN&PTNT đang tích cực hỗ trợ nông dân mở rộng vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn toàn tỉnh

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Côn, Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên xuất khẩu phải tuân thủ. Do đó, để trái sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài, bền vững thì mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị để đáp ứng tốt các yêu cầu, quy định đề ra trong Nghị định thư.

“Sở NN&PTNT đã làm tất cả những gì cần thiết để phía Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đủ tiêu chí cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch. Cơ quan chức năng đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các chủ vườn, chủ cơ sở đóng gói, đồng thời tăng cường kiểm tra để bảo đảm không có việc gian lận trong hoạt động xuất khẩu. Đây là bước đầu rất quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Advertisement

Các đại biểu tham gia phiên tư vấn tại Đắk Lắk- Ảnh : T.H

Địa phương đang chờ phía Trung Quốc xem xét và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng.Để sầu riêng xuất được sang Trung Quốc một cách bền vững thì liên tục phải phấn đấu từ sản xuất, chăm sóc đóng gói đến vận chuyển chúng ta phải liên tục tuân thủ quy định của nước nhập khẩu”- Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nhận định, có thể nói tiềm năng cũng như lợi thế của cây sầu riêng đã được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục đã sớm xác định từ trước những năm 2018. Vì vậy với sự chỉ đạo quyết liệt, chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng được bộ hồ sơ về sầu riêng để nộp cho thị trường Trung Quốc. Sau bốn năm đàm phán với rất nhiều phiên đàm phán kỹ thuật, các buổi kiểm tra thì cuối cùng ngày 11/7 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan Trung Quốc đã cùng nhau ký kết bản nghị định thư này. Đây chính là một sự khởi đầu để mở ra một trang mới cho ngành sầu riêng của Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hiếu, trong xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định là yêu cầu quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết để sản phẩm có thể nhập khẩu vào thị trường đối tác. Nhưng điều quan trọng là người nông dân phải duy trì sự tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong suốt quá trình sản xuất. Đắk Lắk cần có những chương trình giám sát, bởi bên cạnh kiểm tra sự tuân thủ thì chương trình cũng hỗ trợ đào tạo, tập huấn trực tiếp cho người nông dân để họ bảo đảm được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Việc khai thông được xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc dĩ nhiên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, có lẽ các nhà hoạch định xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk không nên quá dựa dẫm vào một thị trường mà cần phải tiếp tục mở rộng, phát triển sang các thị trường khác. 

Có thể thấy, Đắk Lắk đã có một quá trình chuẩn bị khá kỹ cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch. Nghị định thư được ký đánh dấu một bước tiến quan trọng để trái sầu riêng Việt Nam được vươn xa. Tuy nhiên, để khai thác tốt các thị trường nước ngoài, nhất là thì trường tiềm năng Trung Quốc một cách bền vững, Đắk Lắk vẫn còn nhiều việc phải làm trong quảng bá thương hiệu, ứng dụng công nghệ, chuyên nghiệp hơn trong liên kết chuỗi…

Advertisement

About admin

Check Also

Gần 45% vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ

Ban An toàn giao thông tỉnh thông báo về tình hình tai nạn giao thông …