Tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách hành chính

Chiều 3/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương hữu quan

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Báo cáo tại phiên họp cho biết, công tác CCHC thời gian qua đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai trên cả 6 mặt công tác và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật; 6 nghị quyết. Các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong năm qua đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn tại các bộ, ngành là 99,96%; tại địa phương, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại cấp tỉnh là 99,33%; cấp huyện là 98,27% và cấp xã là 99,56%. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ. Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 24 bộ, cơ quan. Kết quả sau sắp xếp đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 08 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp (Ảnh chụp qua màn hình)

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 5/9/2022 về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đến 31/12/2022 đạt 66,96% kế hoạch.

Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 63/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 46/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp cơ sở; tổng số Tổ công nghệ số cộng đồng cả nước đạt 68.933 tổ, thu hút hơn 320 nghìn thành viên tham gia.

Về phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp: Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đạt 52,80%, tăng 17,50% so với năm 2021…

Advertisement

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và nêu lên những khó khăn, tồn tại trong thực hiện CCHC như: Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý KT-XH trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; triển khai hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương, góp phần cùng Chính phủ hoàn thành thắng lợi phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy thích ứng linh hoạt và phát triển KT-XH; tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định…

Advertisement

About admin

Check Also

Nỗi đau sau vụ án học sinh phạm tội giết người

Vào ngày 24/11/2024, 4 bị cáo trẻ tuổi bị kết án tù vì gây án …