Thành phố Buôn Ma Thuột đang tập trung đầu tư cho cả 3 trụ cột “Chính quyền số- Kinh tế số- xã hội số” cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống người dân, quyết tâm về đích sớm trong xây dựng đô thị thông minh nhiệm kỳ 2020-2025.
Chính quyền số đã sẵn sàng
Để xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh.
Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền cơ sở.
Người dân giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC
Nhiều năm qua, thành phố Buôn Ma Thuột đã đầu tư nguồn lực hiện đại hóa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành phố Buôn Ma Thuột tạo tiền đề phục vụ công dân, tạo thuận lợi cho chính quyền thực thi chuyển đổi số toàn diện. Hiện nay, các dịch vụ công của thành phố đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2020 do UBND tỉnh công bố cho thấy, chỉ số chuyển đổi số của Thành phố Buôn Ma Thuột đạt tổng điểm 187,67 (trong đó, chính quyền số đạt 113,66 điểm; kinh tế số 27,15 điểm; xã hội số 46,86 điểm) nằm trong nhóm điểm số cao so với các địa phương trong tỉnh. Đây là cơ sở để chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư điều chỉnh chỉ số đạt mục tiêu đề ra.
Tháng 9/2021, Đắk Lắk đã đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Dak Lak IOC) với 5 dịch vụ đô thị thông minh, gồm các ứng dụng: giám sát dịch vụ công trực tuyến; giám sát điều hành kinh tế – xã hội; phản ánh hiện trường; giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông; giám sát an toàn thông tin. Đây cũng là những bước đi khởi đầu để Đắk Lắk từng bước hiện thực mục tiêu xây dựng chính quyền số gắn với mục tiêu trước mắt đưa thành phố Buôn Ma Thuột đô thị thông minh.
Anh Trần Văn Nguyên ở phường Thống Nhất cho biết, khi tham gia giải quyết thủ tục đều được cán bộ một cửa hướng dẫn tận tình. Việc giải quyết hồ sơ diễn ra nhanh chóng; các thủ tục hành chính công được niêm yết công khai, rõ ràng và phần mềm liên thông, giảm chờ đơi và rất hài lòng với dịch vụ hiện đại tại đây.
Đưa “dịch vụ số” đến “công dân số”
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho hay, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 28/1/2022 về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk và xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh năm 2022. Trong đó, Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ gồm: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số và phát triển đô thị thông minh.
Kỹ sư Trung tâm IOC vận hành dịch vụ đô thị thông minh
Đối với nhiệm vụ xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, thành phố tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phần mềm ứng dụng, nền tảng đô thị thông tin đạt theo chuẩn Bộ TT&TT, phát triển các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số tích hợp với hệ thống dùng chung của tỉnh tạo ra cơ sở phục vụ hoạt động giám sát điều hành thông minh.
Năm 2022, thành phố tiếp tục hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, triển khai truyền thông, đào tạo người dân về đô thị thông minh, tuyên truyền vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tham gia dịch vụ thông minh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, trong đó tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo năng lực, cơ sở hạ tầng thông tin. Tập trung vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Mở rộng triển khai giám sát các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục…các nhiệm vụ khác theo kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk- ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, bên cạnh triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền thành phố sẽ tăng cường đưa các ứng dụng dịch vụ tương tác với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát hoạt động xử lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin giá rẻ; rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng nông thôn với thành thị, giữa các đối tượng trong xã hội.
Để về đích sớm trong nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, thành phố Buôn Ma Thuột kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền nhất là người đứng đầu chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước chuyển mạnh mẽ từ xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng cho đô thị thông minh; nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế – xã hội- ông Hưng chia sẻ.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện để cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Phấn đấu chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 28/63 tỉnh, thành phố; kinh tế số chiếm 12% GRDP; 100% Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, từng bước mở rộng dữ liệu, để cung cấp dịch vụ công kịp thời một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội. 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin cơ quan quản lý. |