Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa Đắk Lắk và Bình Dương

Ngày 17/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa hai địa phương.

Tại tọa đàm, đại diện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh đã thông tin về lợi thế, tiềm năng, sản phẩm và định hướng phát triển du lịch của địa phương mình; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch, xã hội hóa du lịch…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong cho biết, tỉnh Bình Dương có nền kinh tế phát triển, bề dày lịch sử và văn hóa, trong đó du lịch có sự đa dạng về sản phẩm. Nổi bật là du lịch tâm linh với chùa Hội Khánh, chùa Bà và Lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu diễn ra vào Rằm tháng Giêng hàng năm; du lịch sinh thái với vườn cây ăn trái Lái Thiêu, có các món ẩm thực đặc biệt là gỏi măng cụt, gà nướng sầu riêng; du lịch xanh, du lịch trên sông… Tỉnh Bình Dương còn có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu đã đi vào hoạt động. Hiện, tỉnh đang chú trọng khai thác du lịch công nghiệp.

Cùng với các nghề truyền thống, các khu, điểm du lịch được đầu tư, thời gian qua, tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển các trung tâm thương mại, khu mua sắm, hệ thống nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn để phục vụ du khách. Nhận thấy, tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ông Nguyễn Thanh Phong mong muốn, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ định hướng và cách làm du lịch cộng đồng, du lịch homestay, vấn đề liên kết vùng và xã hội hóa trong phát triển du lịch, khó khăn trong thu hút đầu tư để cùng trao đổi, hỗ trợ, kết nối giữa hai bên.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại tọa đàm

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, tỉnh Đắk Lắk có hệ thống giao thông thuận lợi, văn hóa đa dạng với 49 dân tộc sinh sống, có 41 di tích được xếp hạng, 228 cơ sở lưu trú, 27 khu, điểm du lịch, bảo tàng và có nhiều nhà sưu tập gốm, đá, trang phục, trang sức đồng bào dân tộc tại chỗ. Ngành du lịch tỉnh đang dần phục hồi, khởi sắc sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Advertisement

Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát song chưa có nhà đầu tư lớn đầu tư về du lịch, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm nông nghiệp đa dạng song mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế; sản phẩm du lịch phục vụ du khách quốc tế chưa nhiều… Do đó, lượng khách du lịch đến tỉnh chưa cao, trung bình dưới 1 triệu lượt khách/năm. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử gắn với du lịch nhằm tạo ấn tượng với du khách. Tỉnh Đắk Lắk mong muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về du lịch nông nghiệp, thu hút đầu tư vào du lịch từ tỉnh Bình Dương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Thụy Phương Hiếu thảo luận tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, góp ý để du lịch hai tỉnh Bình Dương và Đắk Lắk ngày càng phát triển. Tọa đàm là chương trình ý nghĩa, thiết thực, góp phần kết nối làm nên những sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ để sản phẩm du lịch của hai tỉnh ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Advertisement

About admin

Check Also

Xe máy va chạm với ô tô tải: Hai vợ chồng tử vong tại chỗ

Vào sáng ngày 7/9, một vụ tai nạn giao thông trên Tỉnh lộ 5 đã …