Tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”

Chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan và ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng chủ trì Tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu trong cả nước.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, lãnh đạo Sở, ngành.

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã nghe chuyên gia trình bày các chuyên đề gồm: Bản chất của cộng đồng và làm sao để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn; các kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cộng đồng; kinh nghiệm phát triển cộng đồng tại Việt Nam; thảo luận và chia sẻ một số mô hình phát triển cộng đồng.

Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu mở đầu tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lại vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng cho biết, cuộc tọa đàm sẽ tiếp cận cộng đồng không phải là một mô hình, thiết chế mà là một tư duy, một cách tiếp cận mới mẻ. Bộ trưởng mong rằng những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm hôm nay sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc (Ảnh chụp màn hình)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng.

“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phát biểu- Ảnh : Báo NNVN

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, ông Cao Đức Phát cho biết, các nhà kinh tế hay nói về chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường hay nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp không phải là vì cây lúa hay con heo mà là vì nông dân là chính. Vì thế, phát triển ngành nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp với chính sách và giải pháp hành chính.

Ông Phát nói thêm: “Bài học mà chúng ta rút ra mấy chục năm vừa qua là phải dựa vào nông dân, phát huy vai trò tập thể, doanh nghiệp thể để phát triển kinh tế tốt hơn. Làm thế nào để mục tiêu này đạt được hiệu quả cao hơn, đó là lý do chúng ta cùng ngồi đây để cùng chia sẻ trong tọa đàm hôm nay”.

Đại biểu tham luận tại Tọa đàm

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để phát triển lại mô hình cộng đồng nông thôn, cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng. Trong đó, HTX nông nghiệp đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu. HTX phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề. Vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất.

Tại Đắk Lắk có số HTX nông nghiệp nhiều nhất trong khu vực với khoảng 508 Hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 68,8% tổng số HTX toàn tỉnh (số HTX đang hoạt động là 380 HTX) với tổng số thành viên của HTX là 15.450 thành viên, bình quân: 31 thành viên/HTX; trong đó đa số là thành viên hộ gia đình. Hiện nay, HTX có hoạt động sản xuất lúa gạo khoảng 20 HTX NN (có 07 HTX hoạt động có hiệu quả) và nằm rải rác trên các địa bàn huyện Lắk, Ea Súp, Krông Ana, Ea Kar và Krông Bông với tổng số thành viên tham gia là 1.864 người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số HTX thành lập mới tăng mạnh, bình quân 54 HTX/năm, gấp 2 lần so với các năm trước, đây là tín hiệu vui cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Điển hình như huyện Ea Súp, trước năm 2018 chỉ có 01 HTX nông nghiệp hoạt động, thì đến nay huyện Ea Súp đã có 15 HTX nông nghiệp đang hoạt động.

Advertisement

Ngoài ra, còn rất nhiều HTX tiêu biểu trong thực hiện tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị như: HTX nông nghiệp 714, huyện Ea Kar; HTX nông nghiệp Nhật Minh, huyện Krông Ana, HTX giảm nghèo Ea Súp, HTX cánh đồng 8/4, huyện Lắk; HTX sản xuất, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Minh Toàn Lợi, huyện Krông Năng; HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmat, Hòa Đông, huyện Krông Pắc; HTX nông nghiệp Ea Wy, huyện Ea H’leo.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTXNN và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTXNN tỉnh kiến nghị một số nội dung : Xem xét, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, HTX trong giai đoạn 2021-2025; Nghiên cứu có cơ chế đặc thù thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm tương tự như cơ chế đặc thù sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Có các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay với hình thức tín chấp trong khu vực KTTT, tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận vốn vay ưu đãi để sản xuất phát triển kinh doanh. Đồng thời, quy định một số loại tài sản cụ thể của HTX có thể thế chấp vay vốn, tạo điều kiện để HTX được dùng tài sản này làm tài sản thế chấp để vay vốn…

Advertisement

About admin

Check Also

Đắk Lắk: Liên tiếp xảy các vụ phá hoại vườn sầu riêng

Công an xã Ea Nam và Cơ quan cảnh sát đang điều tra vụ phá …