Năm 1922, cách đây đúng một thế kỷ, cây cà phê đã được người phương Tây di thực đến vùng đất Đắk Lắk. Với chiều dài 100 năm lịch sử, cây cà phê đã khẳng vị thế là cây trồng chủ lực ở vùng đất đỏ bazan rộng lớn này.
Vườn cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: báo Đắk Lắk
Địa chỉ đỏ của cây cà phê
Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được kết quả đó, ngành cà phê ở Đắk Lắk đã trải qua không ít thăng trầm.
Khởi đầu là vào năm 1922, khi thực dân Pháp đặt ách thống trị đến Đắk Lắk, Việt Nam thì vùng đất đỏ bazan này nhanh chóng được phủ một màu xanh bạt ngàn cà phê. Đồn điền CADA là một trong những vựa cà phê lớn nhất thời bấy giờ với diện tích khoảng 2.000ha.
Ngày nay, đồn điền cà phê CADA là địa chỉ đỏ và rất dễ tìm thấy. Đồn điền CADA nằm ven Quốc lộ 26, từ thành phố Buôn Ma Thuột đi thành phố Nha Trang. CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagne Argicole D’Asie (Công ty Nông nghiệp Á Châu).
Đồn điền cà phê CADA được thành lập thì cũng là lúc giai cấp công nhân đồn điền cà phê CADA ra đời. Họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa. Trong đó, người Êđê, M’nông chiếm tới 70% dân số.
Từ năm 1922 cho đến trước năm 1945, dưới chế độ bóc lột của thực dân, người công nhân bị đối xử vô cùng tàn nhẫn, đời sống hết sức cơ cực. Trước tình thế đó, đội ngũ công nhân ở đồn điền cà phê CADA và các đồn điền khác liên tục đứng lên đấu tranh để tự giải phóng trong những năm 1927, 1932, 1935, 1940.
Một số Đảng viên ở nhà đày Buôn Ma Thuột đã đứng ra thành lập Hội Việt minh CADA, đội Tự vệ CADA, Ban lãnh đạo công nhân và đây cũng là nơi ra đời Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trong công nhân cà phê, gọi là Chi bộ đồn điền.
Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành về chất của đội ngũ công nhân đồn điền cà phê CADA và công nhân ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk
Từ đó, công nhân đồn điền cà phê CADA đã biến nơi này thành nơi hoạt động cách mạng và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào năm 1945.
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, công nhân đồn điền cà phê CADA còn tham gia vào cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và mùa xuân 1975, giải phóng Đắk Lắk, miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, tỉnh Đắk Lắk đã sớm quan tâm đến việc phát triển cà phê. Ngày 12.11.1975, UBND cách mạng tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai ở các đồn điền, đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến tặng gần 2.000ha đất cà phê.
Trên cơ sở đó thành lập cà phê Thắng Lợi, Ea Hồ, 10.3, Đức Lập do Công ty quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Đồng thời một loạt các công ty quốc doanh thuộc Trung ương quản lý cũng ra đời.
Từ sau 1986 thực hiện chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương trồng mới, thâm canh rộng rãi cà phê trong nhân dân. Từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Krông Pắk, Krông Năng và các huyện lân cận.
Ngày 26.1.1999, Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã cấp Bằng công nhận Đồn điền Cà phê CADA là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nâng cao hiệu quả cho cây cà phê
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam với gần 210.000ha, chiếm 62,06% tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo công ăn việc làm gián tiếp và trực tiếp cho hơn 500.000 người.
Trong bối cảnh lợi nhuận của cây cà phê không còn cao như trước thì các ngành chức năng và người dân đã và đang thực hiện chương trình tái canh cà phê hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tái canh được trên 35.000ha cà phê.
Tổng sản lượng cà phê của tỉnh đạt hơn 500.000 tấn. Sản lượng xuất khẩu đạt trên 200.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD/năm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk.
Để đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất và phát triển ngành hàng cà phê, điều quan trọng nhất là phải tìm cách giảm chi phí đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần khai thác, phát triển các sản phẩm có giá cao hơn như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê có chứng nhận.