Vất vả đi săn “lộc trời” để kiếm thê thu nhập

Trên dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ, cây đót (còn gọi là chít) mọc xanh tốt um tùm. Vào dịp đầu Xuân cây đót trổ bông khắp núi rừng thu hút nhiều người dân địa phương đến hái. Bà con ví bông đót là “lộc trời” ban tặng để có tiền sắm sửa Tết và để “chống lại” cái đói mùa giáp hạt.


Anh Lù Xuân Dùng lên rừng hái đót

Chúng tôi theo anh Lù Xuân Dùng (45 tuổi), ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vào rừng hái đót. Men theo những con đường nhỏ ngoằn nghèo, băng qua những bụi cây cao quá đầu người để tìm đến khu vực có đót. Theo anh Dùng, thời điểm này là cuối mùa, đót không còn bông đẹp nữa do người dân đã hái trước đó hoặc số ít sót lại thì đã già. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bông còn hái được, nếu chăm chỉ thu hái thì cũng bán được kha khá. Miệng nói tay làm, đôi tay anh thoăn thoắt vươn vươn cao kéo từng bông đót xuống rồi cắt bỏ vào cái bao đeo bên mình. Anh Lù Xuân Dùng chia sẻ: “Mùa đót bắt đầu từ giáp Tết Nguyên đán kéo dài đến tháng 3 dương lịch hằng năm nên người dân phải tận dụng, chạy đua với thời gian bởi nếu để sau thời gian 30 – 45 ngày từ khi đót trổ bông mà không hái thì bông sẽ già và khô trên cây. Bông đót sau khi hái về được bán ngay cho các cơ sở thu mua nên thu hút rất nhiều người dân lên rừng hái đót. Vào cao điểm, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí cả trăm người dân trong xã và một số xã lân cận rủ nhau lên rừng tìm kiếm “lộc trời”. Nhà nào chăm chỉ, mỗi mùa đót có thể kiếm được từ vài triệu đến gần chục triệu đồng”.

Việc lên rừng hái đót không chỉ có nam giới mà còn có sự tham gia của cả phụ nữ, trẻ em và người già. Với nam giới đã vất vả thì những phụ nữ chân yếu tay mềm như chị H’Bajh Long (Buôn Khanh) càng vất vả gấp bội khi phải thức dậy từ khá sớm, đi bộ hàng chục km, len lỏi trong rừng để kiếm tìm bông đót. Chị H’Bajh Long cho hay: “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, khi hoa đót bắt đầu nở, bà con ríu rít cùng nhau vào rừng hái “lộc trời”. Trong quá trình trèo đèo, lội suối, do sức yếu nên chị em chỉ hái đót dọc đường hoặc chỗ thấp, còn cánh thanh niên trai tráng, đàn ông to khỏe thì lên vùng núi cao hơn. Mặc dù vất vả nhưng mỗi khi chiều về trên vai ai cũng nặng trĩu bông đót nên chúng tôi rất vui vì có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống”…

Để hái bông đót, người dân phải dậy từ lúc gà gáy, chuẩn bị thức ăn, nước uống, những dụng cụ cần thiết (dao rựa, bao tay, dây buộc) và ít dầu gió để phòng côn trùng đốt. Một người có thể thu nhập khoảng 50 – 60 kg đót tươi/ngày. Sau khi mang đót từ rừng về có thể bán cho cơ sở thu mua với giá khoảng 6.500 đồng/kg đót tươi, đót khô có giá khoảng 20 – 21 ngàn đồng/kg. Trung bình, mỗi người có thể kiếm được hơn 300 ngàn đồng/ngày.


Đông đảo bà con nhân dân thôn Ea Lang, xã Cư Pui phơi đót thuê để kiếm thêm thu nhập

Advertisement

Bên cạnh hái đót thì việc phơi đót thuê cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập từ 150 – 200 ngàn đồng/người/ngày. Công việc phơi đót không tốn nhiều công sức, thời gian, bất kể già trẻ, gái trai đều có thể làm được miễn là cần cù, chịu khó. Chị Chu Thị Hải (trú tại buôn Khanh, xã Cư Pui) – một chủ cơ sở thu mua đót cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua của người dân từ 2 – 3 tấn đót tươi. Sau khi mua, gia đình tôi thuê 2 – 3 nhân công hằng ngày phơi đót, sau 5 – 7 ngày đót khô sẽ có xe tới tận nơi thu mua, bốc hàng. Hiện nay, đang là thời điểm cuối mùa hái đót nhưng hằng ngày vẫn có rất nhiều người đến bán, chúng tôi cam kết tiếp tục gom hàng cho đến khi hết mùa mới nghỉ nhằm tạo điều kiện cho người dân mùa nông nhàn kiếm thêm thu nhập”.

Một mùa hái “lộc trời” dần trôi qua trong niềm vui “trúng mùa, trúng giá” đồng nghĩa với nỗi lo đói giáp hạt không còn đè nặng trên đôi vai những nông dân chân lấm tay bùn nơi những cánh rừng già. Khác với trước đây, bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết gìn giữ “lộc trời” cho những mùa sau bằng cách sau khi hái bông thì chặt bỏ cây già để cây con mọc lên hoặc tự trồng đót ven rẫy, ven đường hay ở khu đất trống, đồi trọc vừa giữ đất vừa có thu nhập. “Ở vùng rừng núi Krông Bông, mùa đót thường kéo dài khoảng hơn 2 tháng, không chỉ tạo thu nhập cho người dân địa phương đi hái đót mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khi được thuê phơi đót. Sau mỗi vụ, người kiếm được ít thì cũng vài ba triệu, người nhiều thì cũng được hàng chục triệu đồng. Một số tiền cũng kha khá đối với những người nghèo để trang trải cuộc sống” – ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) chia sẻ.

Advertisement

About admin

Check Also

Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh ứng trực 100% quân số dịp Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh

Trong buổi Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, lực lượng cảnh sát …