Lễ hội đua voi
Trong các hành trình du lịch Việt Nam, nói đến văn hóa lễ hội, nhất là nhắc đến Lễ hội đua voi, hầu như ai cũng nghĩ ngay về vùng đất Tây nguyên. Hẳn vậy, Lễ hội đua voi là một lễ hội truyền thống thể hiện sự dũng mãnh, tinh thần chinh phục thiên nhiên của bà con đồng bào dân tộc M’Nông. Lễ hội đua voi được tổ chức vào trung tuần tháng 3 dương lịch theo chu kỳ 2 năm một lần, vào các năm chẵn.
Nếu ai đã từng yêu thích lễ hội đua bò vui nhộn ở vùng Bảy núi miền Tây thì ắt hẳn không thể bỏ qua lễ hội đua voi gay cấn, quyết liệt ở Buôn Đôn, huyện Bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội đua voi thường được bắt đầu vào tháng 3, bởi đó là thời điểm dân làng M’Nông chuẩn bị vào một mùa vụ mới, vì thế việc tổ chức đua voi vừa có ý nghĩa nguyện cầu cho một vụ mùa bắt đầu suôn sẻ, vừa tạo được lễ hội sinh hoạt cộng đồng cho bà con và cũng là để tri ân loài voi – người bạn thân thiết của bà con Tây Nguyên.
Trước ngày bắt đầu lễ hội đua voi, các thanh niên quản tượng chăm sóc rất chu đáo cho chú voi chiến của mình. Voi được cung cấp thức ăn từ cỏ xanh non để đảm bảo sức khỏe dẻo dai cho đường đua sắp tới. Sau những ngày thuần dưỡng, chăm sóc đặc biệt, các chú voi sẽ tiến hành chính thức bước vào lễ hội. Trong ngày diễn ra lễ, các thầy cúng sẽ thực hành nghi thức cúng tạ lễ cho loài động vật này. Lễ vật cúng voi gồm có 3 chén rượu cần, thịt lợn và gàu nước sạch. Lễ cúng voi vừa kết thúc, thầy cúng sẽ báo hiệu cho các chú voi vào vị trí, chuẩn bị tung những bước chân dũng mãnh.
Vị trí diễn ra lễ đua voi thường là bãi đất trống trong Buôn Đôn hoặc cận cánh rừng thưa ven sông Sê rê pốk. Lúc này, 16 chiến binh voi được xếp thành hàng ngang, thi chạy theo từng đợt. Hiệu lệnh hồi tù vang lên lập tức các chàng quản tượng cầm gậy (hoặc búa gỗ) thúc vào mông voi để voi tiến lên phía trước và sự khéo léo của từng thanh niên còn nằm ở chỗ giữ hướng chạy thật chính xác cho voi. Lúc này, hai bên đường đua, người dân hò reo vang dội, cồng chiêng rợp trời, lấn át cả tiếng núi rừng đang hòa theo cổ vũ.
Bên cạnh đó, ngoài việc đua voi trên cạn, người quản tượng M’Nông còn phải thể hiện sự tài giỏi của mình qua việc điều khiển voi đua dưới nước. Đến cuối cuộc thi, chú voi nào giành chiến thắng sẽ được đồng bào quây quần tôn vinh và người quản tượng cũng được tôn vinh không kém.
Lễ hội đua voi của đồng bào M’Nông ở Đắk Lắk quả thực là một nét văn hóa truyền thống cần được lưu giữ và phát huy. Hiện nay, theo cẩm nang du lịch Đắk Lắk, lễ hội đua voi đã không còn gói gọn trong khuôn khổ của một nghi thức, mà đã phát triển lên thành một lễ hội du lịch thú vị, thu hút đông đảo du khách trên cả nước. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn, ghi nhiều dấu ấn hơn nơi lòng du khách, khi có dịp về thăm vùng đất Tây nguyên hùng vỹ.