Việc Trung Quốc cấp phép cho sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang nước này, mở ra cơ hội lớn cho một loại quả trở thành một mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Tuy nhiên, người dân tại một số địa phương đổ xô chặt bỏ cà phê, tiêu…để chuyển sang trồng sầu riêng, gây nguy cơ bất ổn về cung cầu, cơ cấu cây trồng.
Giá sầu riêng tăng cao khiến người dân tại nhiều địa phương đang đổ xô trồng loại cây này
Đổ xô trồng sầu riêng
Ông Bùi Văn Hạnh, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết, gia đình ông có khoảng 10 sào cà phê xen hồ tiêu. Mấy năm qua, hồ tiêu năng suất kém, bị bệnh chết nhiều, chưa kể giá rớt sâu nên gia đình ông vừa đầu tư tiền tỷ trồng hơn 300 cây sầu riêng Ri6 để thay thế cà phê, hồ tiêu.
Theo ông Hạnh, so với trồng cà phê và tiêu, sầu riêng khó chăm sóc hơn, song thu nhập từ loại cây này cao hơn nhiều lần; không ít hộ dân trong xã cũng ăn nên làm ra từ trồng sầu riêng nên gia đình mạnh dạn dốc vốn đầu tư. “Chúng tôi biết việc thay đổi cây trồng rất khó. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi thời, nếu không thay đổi phù hợp với thời thế, người dân lấy gì thu hoạch. Tây Nguyên đang trúng đậm sầu riêng, biết đâu sau này ở đây hình thành vùng đặc sản sầu riêng tại đây”, ông Hạnh nói.
Ông Bùi Tin, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, với 1ha cà phê và tiêu, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu nhập của người dân chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng với diện tích đó, nếu trồng sầu riêng, người dân có thể thu về 500-700 triệu đồng/ha. Do vậy, thời gian tới, HTX sẽ cắt bỏ những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp để tập trung “nuôi” sầu riêng.
Trào lưu trồng sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang nở rộ trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều người dân còn phá bỏ cả vườn cà phê, hồ tiêu…đã trồng cả chục năm nay để chuyển sang sầu riêng khiến diện tích cây trồng này đang tăng rất mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, diện tích sầu riêng trên cả nước đã tăng gấp hơn 5 lần. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600ha, nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên 90.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng khoảng hơn 20.000 ha.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, với giá bán duy trì ở mức 80.000-90.000 đồng/kg và ngay cả thời điểm giá các loại nông sản khác rớt thảm, sầu riêng vẫn đạt giá cao nên loại cây trồng này đang rất hấp dẫn người dân.
Đặc biệt, sau khi sầu riêng Việt được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng càng tăng cao hơn, dẫn tới người dân có xu hướng chặt bỏ cà phê, tiêu, điều…để chuyển sang loại “vua trái cây”. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, có một thông tin cần lưu ý là hiện Trung Quốc chỉ chấp nhận sầu riêng trồng tại vùng chuyên canh, được nước này cấp mã số vùng trồng. Trong khi diện tích sầu riêng trồng xen canh với cà phê và các loại cây khác ở khu vực Tây Nguyên theo báo cáo của các sở NN&PTNT là không nhỏ, đạt khoảng 28.500ha, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk; Đắk Nông; Lâm Đồng, Kon Tum…
Đáng chú ý, hiện sầu riêng được cấp mã số vùng trồng mới chỉ có khoảng 7% diện tích sầu riêng cả nước, nên nếu tăng diện tích nhanh trong thời gian ngắn, nguy cơ xảy ra tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng cả ngành hàng.
Bài học nhãn tiền từ hồ tiêu
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vừa qua, Bộ NN&PTNT thành lập đoàn khảo sát để kiểm tra, đánh giá về tình hình các vùng trồng cây ăn quả ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng nhận thấy có tình trạng người dân đang chuyển từ một số loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng do lợi nhuận từ loại “vua trái cây” rất hấp dẫn.
“Chúng ta có khoảng 90 nghìn hécta sầu riêng nhưng không phải tất cả đều xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng tại những vườn trồng xen canh có thể tiêu thụ trong nước và chuyển xuất khẩu sang các thị trường khác. Để tránh vết xe đổ như các loại cây trồng trước đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo các địa phương không nên tăng diện tích sầu riêng trong thời gian tới”. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật
Advertisement
“Việc này trước mắt có thể mang lại nguồn thu tốt hơn cho các hộ dân, nhưng về lâu dài rất dễ gây bất ổn khi diện tích sầu riêng tăng phi mã”, ông Cường nói đồng thời dẫn chứng từ bài học nhãn tiền vụ trồng ồ ạt hồ tiêu.
Năm 2017, khi giá tiêu “sốt” tới 200.000 đồng/kg, nhà nhà đổ xô đi trồng tiêu dẫn tới chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây tiêu tăng gấp 3 lần. Song cũng chính vào thời gian đó, giá tiêu rớt thảm xuống còn chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg khiến những hộ dân đầu tư vào cây “vàng đen” thiệt hại nặng.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên nôn nóng chuyển sang trồng sầu riêng, mà nên kết hợp trồng xen canh giữa cà phê, sầu riêng vì thực tiễn đã chứng minh hiệu quả kinh tế của mô hình xen canh rất tốt và bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, truyền thông rộng rãi cho người dân biết, tránh tình trạng đổ xô đi trồng sầu riêng”, ông Cường nói và cho biết, Bộ NN&PTNT đã nhận diện nguy cơ và sắp tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ có chỉ thị về việc này.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, trong đó có yêu cầu về vùng trồng chuyên canh nên chúng ta cần phải tuân thủ. Đối với diện tích sầu riêng trồng xen canh, không đáp ứng được yêu cầu từ Trung Quốc, các chi cục bảo vệ thực vật đã được chỉ đạo không lựa chọn những vùng trồng này, bởi Trung Quốc kiểm tra rất chặt, chỉ cần xem qua trực tuyến là có thể đánh trượt.
“Chúng ta có khoảng 90 nghìn hécta sầu riêng nhưng không phải tất cả đều xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng tại những vườn trồng xen canh có thể tiêu thụ trong nước và chuyển xuất khẩu sang các thị trường khác. Để tránh vết xe đổ như tình trạng trồng ồ ạt các loại cây trồng trước đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo các địa phương không nên tăng diện tích sầu riêng trong thời gian tới”, ông Trung cho hay.