Gần nửa tháng qua, hàng chục người dân là bạn hàng bán, ký gửi cà phê cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Di Linh và Công ty TNHH SXTM DV Tài Thịnh (đóng tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) lâm vào cảnh lao đao và có nguy cơ mất tiền tỷ khi chủ công ty này thông báo vỡ nợ.
Công an huyện Di Linh xác nhận, bà Phạm Thị Hoa (ngụ tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) đã thông báo vỡ nợ khi không còn khả năng chi trả tiền cho nhiều người dân là bạn hàng bán, ký gửi cà phê cho các công ty của bà Hoa.
Cùng với đó, Công an huyện Di Linh cũng đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của người dân liên quan đến việc bà Hoa thông báo vỡ nợ và nợ tiền. Trong đó, có đơn tố cáo vượt thẩm quyền của Công an huyện, nên đơn vị đã chuyển đơn tới Công an tỉnh Lâm Đồng để xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền.
Hiện tại, bà Hoa đang là chủ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Di Linh (gọi tắt là Công ty Cà phê Di Linh) và Công ty Tài Thịnh cùng đóng trên địa bàn huyện Di Linh.
Xem thêm: Sự hình thành các đại lý cà phê
Theo phản ánh của những người dân là bạn hàng đang bán, ký gửi cà phê cho các công ty nói trên, số tiền bà Hoa thông báo nợ là hơn 70,5 tỷ đồng của hơn 45 người dân trên địa bàn huyện Di Linh và một số người tại huyện Đức Trọng.
Cụ thể, bà Phạm Thị Hoa thông báo vỡ nợ, với lý do không có khả năng chi trả tiền bà nợ khi thu mua và nhận ký gửi cà phê người dân. Bà Hoa cũng đã viết biên nhận xác nhận nợ tiền thu mua và ký gửi cà phê mà bà đang nợ của hàng chục người.
Trong đó, người mà bà Hoa đang nợ ít nhất là 90 triệu đồng và người nhiều nhất là hơn 4,7 tỷ đồng. Trước sự việc này, hàng chục người dân, chủ đại lý thu mua cà phê đã liên tục tìm đến nhà bà Hoa để đòi nợ. Cùng với đó, người dân đã gửi đơn tố cáo lên Công an huyện Di Linh trình báo vụ việc nhờ cơ quan điều tra vào cuộc xác minh; đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp phong tỏa tài sản của gia đình bà Hoa theo quy định.
Ông Ngô Thanh Toại, người dân ngụ tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh, phản ánh: “Ngày 17/3, gia đình tôi bán cho bà Hoa 44 tấn cà phê nhân, với tổng số tiền 2,134 tỷ đồng và hẹn vào ngày 20/3 lấy tiền.
Thế nhưng sau đó, bà Hoa thông báo vỡ nợ nên toàn bộ tiền bán cà phê gia đình tôi không lấy được đồng nào. Sau khi bà Hoa thông báo vỡ nợ, tôi cùng nhiều người dân đã tìm đến nhà bà để đòi tiền.
Tuy nhiên, thứ nhận được chỉ là biên bản bà Hoa ký xác nhận nợ. Số cà phê này, là toàn bộ tiền của, công sức gia đình tôi đầu tư suốt một năm qua. Giờ bán cho bà Hoa mà không thu được đồng nào khiến cả gia đình như ngồi trên đống lửa”.
Tương tự, bà Đặng Nguyên Phương, ngụ tại xã Tân Lâm (huyện Di Linh), lo lắng: “Thời điểm bà đang nợ của gia đình tôi số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Đây là số tiền mà gia đình tôi ký gửi cà phê với bà Hoa tại Công ty Cà phê Di Linh và Công ty Tài Thịnh đều do bà ấy làm chủ. Khi nhận ký gửi cà phê của gia đình tôi thì bà Hoa hứa sẽ thanh toán tiền đúng thời hạn.
Đùng một cái, bà Hoa thông báo vỡ nợ, toàn bộ tài sản của gia đình tôi đang nằm hết số cà phê ký gửi tại đây. Suốt những ngày qua, gia đình tôi ngày nào cũng đến nhà bà Hoa hỏi tiền, nhưng không lấy được đồng nào cả. Cứ tình hình này, chuyện vỡ nợ theo bà Hoa của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác là khó tránh khỏi”.
Cùng số phận với ông Toại, bà Phương cùng hơn 40 người khác, bà Diệp Mỹ Linh (ngụ tại xã Tân Lâm) cũng được bà Phạm Thị Hoa viết biên bản xác nhận nợ tiền ký gửi cà phê hơn 1,5 tỷ đồng. “Chúng tôi đã làm việc với Công an huyện Di Linh và tường trình toàn bộ sự việc bà Hoa đang nợ tiền của chúng tôi. Mong rằng cơ quan Công an có biện pháp tiến hành phong tỏa các tài sản của bà Hoa để chúng tôi có cơ hội lấy lại số tiền bà ấy đang nợ. Còn không thì rất nhiều hộ dân chúng tôi sẽ lâm cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất”, bà Linh nói.
Theo Công an huyện Di Linh, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phân loại đơn tố cáo; đồng thời, tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ vụ việc theo quy đinh của pháp luật. Những đơn tố cáo vượt thẩm quyền, Công an huyện Di Linh sẽ chuyển tới Công an tỉnh Lâm Đồng để xử lý theo quy định.
Xem thêm: Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý?