Tạo bước đột phá cho HTX xuất khẩu sầu riêng

Dù thị trường xuất khẩu sầu riêng của người dân, HTX đang có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nhìn rộng ra trên thế giới mới thấy ngành hàng này vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.

Nếu không có cái nhìn xuyên suốt, chiến lược, tổng thể thì không chỉ người dân, các HTX mà trong dài hạn, mặt hàng sầu riêng khó có đột phá nào về xuất khẩu như kỳ vọng của một số nhà chuyên môn.

Thiếu tiêu chuẩn xuất khẩu

Sầu riêng của các HTX đang đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng cũng gặp nhiều bài toán khó trong quá trình cạnh tranh trên thị trường. Ông Y Kuôm Niê Siêng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ko Siêr (Đăk Lăk) cho biết trong vườn sầu riêng của HTX có thể có 1 – 3 giống, ngoài ra còn trồng xen với chuối. Đây là cái khó khi phải áp dụng khoa học kỹ thuật cho ra hoa, rải vụ và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho cây sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.

Tuy bất kì mảnh đất nào cũng có thể trồng sầu riêng, các HTX cũng có thể xử lý cho cây ra hoa, nhưng xét cho cùng, canh tác sầu riêng vốn không dễ, nhất là để đạt năng suất và chất lượng trái sầu riêng theo đơn đặt hàng, từ đó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của một số nước trong khu vực.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cả nước có hơn 100.000 ha sầu riêng, thì chỉ có khoảng 3-4% tổng diện tích này (tương đương với 3.000 ha) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong đó, sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc muộn hơn so với sầu riêng Malaysia và Thái Lan. Còn công nghệ sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển của hai nước này luôn được đánh giá cao hơn.

Sầu riêng Krum Thong, miền Nam Thái LanSầu riêng Krum Thong, miền Nam Thái Lan
Sầu riêng Krum Thong, miền Nam Thái Lan muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải có ít nhất 4 hộc.

Theo các chuyên gia, để tăng khả năng cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, mới đây Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho sầu riêng xuất khẩu. Cụ thể là quả sầu riêng xuất khẩu phải đạt tối thiểu 4 hộc và trọng lượng tối thiểu là 3,5kg. Đặc biệt, tỷ trọng múi sầu riêng phải đạt trên 35%!

Với tiêu chuẩn này, chênh lệch giữa giá sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Trung Quốc và sầu riêng hàng chợ của Thái Lan sẽ rất cao. Người tiêu dùng Thái Lan muốn được thưởng thức sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có vẻ không dễ dàng.

Thái Lan đã có hướng đi cụ thể cho quả sầu riêng nhưng ngược lại, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có chiến lược lâu dài cho loại nông sản này. Việt Nam vẫn chưa xây dựng và ban hành được tiêu chuẩn cụ thể cho sầu riêng xuất khẩu vào từng thị trường, thay vào đó là chủ yếu thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu nhập khẩu từ phía đối tác.

Chính vì vậy mà mỗi HTX, mỗi địa phương áp dụng một tiêu chuẩn sản xuất sầu riêng khác nhau, chất lượng cũng khác nhau. Quy hoạch vùng trồng theo giống cũng chưa được quan tâm nên thu hoạch, vận chuyển khó khăn, không chuyên nghiệp. Vấn đề này không chỉ làm công tác quản lý thêm phức tạp mà còn khiến các HTX, doanh nghiệp khó đáp ứng các đơn hàng lớn.

Sầu riêng Thái lấn lướt ở Úc

Không chỉ chưa chuyên nghiệp trong việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc mà hiện nay, sầu riêng Việt Nam cũng chậm chân hơn với sầu riêng Thái ở các thị trường khác.

Ngay như tại một số siêu thị ở Úc hiện đã có sầu riêng trên kệ hàng. Điều này là ngoài sức tưởng tượng vì người phương Tây vốn nổi tiếng sợ món này. Hay nói đúng hơn là họ có chút ác cảm với mùi nồng của sầu riêng.

Bởi vậy mà khi thấy sầu riêng có mặt ở Úc đã nói lên rằng số lượng người dân gốc Á ở Úc ngày càng đông. Điều này đã cho thấy, văn hoá ẩm thực Á Đông đang dần được thẩm thấu ở Úc.

Tuy nhiên, một điều đáng buồn là những quả sầu riêng đó lại có xuất xứ từ Thái Lan chứ không phải Việt Nam. Như vậy, Việt Nam lại chậm một bước trong việc đưa nông sản này tiếp cận với thị trường Úc. Và điều này cũng giống như việc người tiêu dùng Trung Quốc đang bùng nổ với quả sầu riêng thì Thái Lan cũng đang lấn lướt hơn cả. Sự thật này cũng giống như gạo, nước mắm và nhiều mặt hàng chiến lược khác mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình xuất khẩu.

Advertisement

Theo các chuyên gia, khi bước ra thế giới, thách thức cạnh tranh là không hề nhỏ. Vậy nhưng cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm chủ được kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Ngay về giống sầu riêng cũng chưa được “chính chủ” mà chủ yếu đi vay mượn.

Ông Đỗ Hồng Quân, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, điều đó là rất rủi ro cho trái sầu riêng sau này, nhất là sẽ khiến hạ thấp khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước đang xuất khẩu sầu riêng.

Bên cạnh đó, cách làm thương hiệu và marketing ngay từ sản xuất đến đóng gói, vận chuyển của Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp khiến nông sản Việt luôn hẹp cửa hơn so với nông sản cùng loại của các nước khác.

Hiện, không chỉ Thái Lan, mà Đài Loan và nhiều nước và vùng lãnh thổ khác đều có những tiêu chuẩn cụ thể cho một số nông sản xuất khẩu, trong đó có sầu riêng, bất kể là nông sản đó muốn xuất khẩu đi thị trường nào. Điều này không chỉ giúp người dân, HTX thuận tiện, chủ động trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đáp ứng điều kiện kiện xuất khẩu mà còn giúp quá trình quản lý của các cơ quan nhà nước được khoa học hơn.

Còn tại Việt Nam, tâm lý chung vẫn là “xuất đi được là mừng lắm rồi” nên việc xây dựng tiêu chuẩn và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn là một điều xa vời.

Chính vì vậy, nhìn quả sầu riêng của Thái Lan và cách người Thái xuất khẩu sầu riêng mà không ít HTX, doanh nghiệp cảm thấy quan ngại sâu sắc.

Xem thêm: Muốn vượt Thái Lan, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu mạnh

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …