Chỉ trong một thời gian ngắn, giá sầu riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quay đầu giảm mạnh, từ mức 130.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đem lại lợi nhuận khá cho người nông dân.
Trao đổi với báo KTSG Online, ông Phạm Thanh Nhã, hộ nông dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác nhận, đối với sâu riêng RI6 hiện được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) có giá chỉ còn 50.000 đồng/kg, tức giảm 90.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục ghi nhận cách đây không lâu.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) – một trong những đơn vị thu mua sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho biết giá sầu riêng RI6 ở ĐBSCL hiện được thương lái mua xô tại vườn chỉ còn 50.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục 130.000-140.000 đồng/kg được thiết lập cách đây không lâu.
Còn với sầu riêng Monthong (sầu riêng Thái), trước đó có giá 160.000-170.000 đồng/kg, thì hiện thiếu hụt nguồn cung nên chưa có giá thu mua.
Theo ông Lộc, hiện đơn vị này vẫn chưa dám mua vào vì đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc vẫn chưa “chốt giá”. “Phía Trung Quốc phải chốt giá, ví dụ 60.000 đồng/kg, thì mình mới có căn cứ để tính toán mua vào từ người nông dân để làm sao có hiệu quả”, ông giải thích.
Cũng theo ông Lộc, giá sầu riêng sụt giảm mạnh do hiện đang vào mùa (vụ thuận), nguồn cung không riêng ở Tiền Giang, mà các địa phương khác như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực miền Đông Nam bộ đều tăng cao. “Thậm chí, hiện phía Thái Lan cũng đang có nguồn cung nên khiến giá giảm mạnh”, ông cho biết và giải thích, do nguồn cung dồi dào nên các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc không nóng vội thu mua.
Tính toán của ông Lộc cho biết, ở ĐBSCL, mỗi công đất (1.000 m2) trồng được 20 cây sầu riêng, trong khi đó, chi phí đầu tư từ sau khi thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại là khoảng 1,2 triệu đồng/cây, tương đương khoảng 25 triệu đồng/công. “Như vậy, với năng suất trồng đạt là 2 tấn/công, thì với giá bán như hiện nay (50.000 đồng/kg), nông dân thu được 100 triệu đồng/công, tức đạt lợi nhuận khoảng 75 triệu đồng/công (sau khi đã trừ chi phí đầu tư 25 triệu đồng- PV) hay đạt 750 triệu đồng/héc ta”, ông cho biết.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam và đây là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long và chuối.
Theo đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt đạt 56,9 triệu đô la Mỹ, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính khi chiếm đến 83% kim ngạch xuất khẩu.
>> Diện tích trồng sầu riêng tăng nóng: Đau đầu trước bài toán cung – cầu