9 tháng qua, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 24% so với cả năm 2022.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sầu riêng, chuối, thanh long là những nông sản đóng góp lớn vào tăng trưởng. Đặc biệt, sầu riêng đứng đầu về xuất khẩu, gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Dự kiến trong tháng 10, sầu riêng sẽ cán đích kim ngạch 1,5 tỷ USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự đoán năm nay xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5 tỷ USD, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra, là vào năm 2025.
[ Vượt thanh long, sầu riêng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trái cây ]Liên kết tiêu thụ sầu riêng còn lỏng lẻo
Nhu cầu thị trường lớn, nên giá sầu riêng liên tục tăng cao là điều dễ hiểu. Các thương lái tranh mua, ai trả giá cao hơn bà con sẽ bán, dẫn đến việc nông dân bẻ kèo hợp đồng với doanh nghiệp thu mua, khiến chuỗi liên kết bị đứt gãy. Khi đó, doanh nghiệp ôm lỗ, còn bà con nông dân sẽ chịu vào những năm sau.
Dù là thành viên của hợp tác xã có liên kết từ đầu với doanh nghiệp uy tín trong sản xuất và thu mua sầu riêng, nhưng sau khi cân nhắc hơn thiệt, ông Thuận (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đã chọn bán sầu cho thương lái.
“Cái chuyện chăm bón thì mình không cần đến hợp tác xã hướng dẫn mình, nhưng mà đến lúc mua bán thì phải có hợp tác xã đến vườn. Tuy nhiên đến ngày, đến tháng không thấy ai”, ông Nguyễn Văn Thuận, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, chia sẻ.
Theo nông dân trồng sầu riêng, thương lái thường đến tận vườn trước thời điểm thu hoạch 2 – 3 tháng và chốt giá sớm. Trong khi đó những doanh nghiệp có sự liên kết ngay từ đầu với nông dân, hợp tác xã lại đến rất muộn, trước thời điểm thu hoạch nửa tháng mới thẩm định chất lượng quả và chốt giá. Do vậy nông dân cảm thấy không yên tâm và thường đổ xô đi bán cho thương lái.
Hợp tác xã là cầu nối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm. Tuy nhiên không ít hợp tác xã đang rơi vào tình trạng bị chính thành viên của mình quay lưng.
“Bà con có tâm lý lợi nhuận, nên khi xúc tiến thu mua, bà con muốn bán sớm cho an toàn. Bà con bán cho các thương lái nên không xây dựng được chuỗi giá trị đối với hợp tác xã với doanh nghiệp”, ông Nguyễn An Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vạn Xuân, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho biết.
Theo các doanh nghiệp, khi ký kết hợp đồng với nước xuất khẩu phải tuân thủ nhiều yếu tố, trong đó sản lượng phải đủ lớn, đặc biệt là chất lượng phải đảm bảo. Do vậy, khâu thu mua theo quy trình với nông dân sẽ mất thời gian hơn. Điều này không đáp ứng được nhu cầu muốn mua nhanh bán nhanh của nông dân. Nếu bà con chọn thương lái là kênh mua bán chính, rủi ro là khó tránh khỏi, bởi những biến động thị trường, nông dân không thể lường hết được.
Giữ mối liên kết trong sản xuất sầu riêng
Việc nông dân chọn bán sầu riêng khi giá cao cho thương lái đã gây nhiều lo lắng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ đến khi giá sầu riêng giảm, nông dân lại tìm đến doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, việc tăng cường sự gắn kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp được xem là giải pháp tối ưu để giữ ổn định và giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững.
Với hơn 1 hecta sầu riêng, năm nay gia đình ông Phạm Viết Ngọc (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) thu về hơn 40 tấn quả. Ông cho biết, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua với giá khá cao từ đầu vụ. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định chốt giá thu mua với hợp tác xã. Bởi theo kinh nghiệm nhiều năm, việc bán cho hợp tác xã sẽ ổn định hơn rất nhiều.
“Thị trường xuống thì hợp tác xã không bớt, nếu lên thì họ cho. Nếu bán ở vựa ngoài, thị trường trôi nổi. Trường hợp xuống giá thì rất nguy hiểm, có thể bị bớt mất mấy chục giá, rủi ro nhiều hơn”, ông Phạm Viết Ngọc, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk, cho hay.
Để việc liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác, tạo niềm tin bằng cách phối hợp với các hợp tác xã từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Theo thống kê, hiện tỉnh Đắk Lắk có khoảng 22.000 hecta sầu riêng, trong đó có trên 40% đã cho thu hoạch. Trong các năm tới, diện tích này có thể tăng thêm, vì vậy rất cần các giải pháp liên kết trong sản xuất. Có như vậy mới kiểm soát được thị trường và phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, đem lại giá trị kinh tế bền vững cho nông dân.
Xem thêm: